Vi bằng có dùng để thế chấp được không?

  18/9/22

Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, nhu cầu vay vốn ngân hàng của người dân đang xuất hiện ngày một nhiều. Do đó, những người nắm trong tay những tài sản thường sử dụng để thế chấp vay ngân hàng. Liên quan đến vấn đề nhiều người đặt câu hỏi vi bằng có vay ngân hàng được không?

Vi bằng là một thuật ngữ pháp lý được nhắc đến khá nhiều đặc biệt tròng nhiều năm gần đây và khái niệm vi bằng được định nghĩa tại Khoản 3 điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại nêu khái niệm vi bằng như sau:

“ Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này”.

Theo định nghĩa nếu trên ta có thể hiểu vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu có). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng. Vi bằng không thừa nhận, hay đánh giá tính hợp pháp của các hành vi, sự kiện, quan hệ xã hội mà chỉ ghi nhận những gì có thật đã xảy ra trên thực tế.

Vi bằng đó có giá trị pháp lý không?

Cụ thể theo Khoản 2, khoản 3 và khoản Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định về giá trị pháp lý của vi bằng như sau:

“2. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập. Điều trên có nghĩa, vi bằng chỉ có giá trị bằng chứng, là một chứng cứ công nhận có việc mua bán, giao nhận tiền nhà chứ không phải là một thủ tục hành chính để đảm bảo giá trị tài sản”.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên có thể thấy giá trị pháp lý của vi bằng như sau:

Văn phòng thừa phát lại cũng chỉ ghi nhận lại hành vi trao đổi, giao dịch tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng thực quan hệ giao dịch mua bán tài sản. Vi bằng không có chức năng như công chứng, chứng thực, công chứng chứng thực việc giao dịch mua bán tài sản; Vi bằng không thay thế các văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

Việc lập vi bằng được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục do Nhà nước quy định sẽ xác nhận giao dịch của các bên tại thời điểm lập và được coi là chứng cứ tại Tòa án nếu có tranh chấp xảy ra. Như vậy, vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ và được Tòa án ghi nhận, đây là đặc điểm cho thấy việc lập vi bằng sẽ có thể giảm thiểu rủi ro pháp lý khi tham gia các giao dịch.

Như vậy, vi bằng có giá trị là nguồn chứng cứ.

Vi bằng có vay ngân hàng được không?

Căn cứ Điều 5 Quyết định 217/QĐ-NH1 quy định về việc ban hành quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn ngân hàng thì tài sản cầm cố cho các tổ chức tín dụng bao gồm:

“ 5.1. Tài sản dùng để thế chấp vay vốn các Tổ chức tín dụng là các bất động sản có khả năng chuyển nhượng, mua bán được dễ dàng, bao gồm:

a) Nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả các tài sản gắn liền với nhà ở, công trình xây dựng.

b) Đối với bất động sản có tham gia bảo hiểm thì giá trị hợp đồng bảo hiểm cũng thuộc tài sản thế chấp.

c) Các cơ sở sản xuất kinh doanh như: nhà máy, khách sạn, cửa hàng, nhà kho… và các công cụ, máy móc, thiết bị gắn liền với nhà máy, tàu biển, máy bay…

d) Tài sản khác nếu pháp luật có quy định.

5.2. Quyền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai quy định.

5.3. Hoa lợi, lợi tức, các quyền phát sinh từ bất động sản được thế chấp thuộc tài sản thế chấp hay không là do các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Dựa vào quy định trên có thể thấy vi bằng không được coi là tài sản thế chấp. Vi bằng chỉ là một văn bản có giá trị chứng cứ giúp bảo vệ quyền lợi trước pháp luật. Nó không có giá trị pháp lý để được coi là tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, đối với vay tín chấp thì sẽ không cần lập vi bằng

Điều kiện vay tín chấp:

+ Độ tuổi bắt buộc phải từ 18 đến không quá 65 tuổi cả nam và nữ giới.

+ Có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại nơi mà bạn nộp đơn vay vốn ngân hàng.

+ Hợp đồng lao động tối thiểu 12 tháng và thời gian làm việc cũng tối thiểu 12 tháng.

+ Nhận lương qua tài khoản ngân hàng với mức lương đảm bảo từ 5 đến 12 triệu đồng một tháng.

+ Không mắc nợ xấu tại thời điểm đăng ký vay tiền ngân hàng bao gồm nợ của các công ty tài chính và mạnh của ngân hàng khác.

+ Khách hàng phải có năng lực và hành vi dân sự tốt, đảm bảo khả năng lao động để tạo ra các giá trị vật chất…

Căn cứ vào các điều kiện về vay tín chấp thì có thể thấy nếu đáp ứng điều kiện thì có thể vay tín chấp mà không cần dùng vi bằng. Tuy nhiên, một hạn chế của hình thức này đó là hạn mức vay không cao bằng vay thế chấp.

Tóm lại, vi bằng không được vay Ngân hàng với hình thức vay thế chấp, còn đối với hình thức vay tín chấp thì có thể vay mà không cần sử dụng vi bằng nếu đáp ứng đủ các điều kiện.

Nguồn: Luật Hoàng Phi 

logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết