Vi bằng thừa phát lại

Blog Thừa phát lại - Vi bằng là gì, vi bằng được thực hiện như thế nào, khi nào thì phải lập vi bằng..., đó là những thắc mắc thường gặp của người dân. Blog thừa phát lại sẽ trao đổi với mọi người về vấn đề này:

Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng như sau:
Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.… Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Khoản 3 Điều 2 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP cũng quy định:
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.
Như vậy, lập vi bằng là hành vi của thừa phát lại theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức nhằm chứng kiến các sự kiện, hành vi có thật và mô tả lại nó trong tài liệu có tên là “vi bằng”. Đây được xem là một “biên bản mô tả” do thừa phát lại lập và thường chứa đựng các từ ngữ mang tính chất mô tả như thời gian, địa điểm lập vi bằng, “chứng kiến”, “đo đạc”, “thừa phát lại quan sát”, “thừa phát lại thấy”… Ngoài ra, kèm thèo vi bằng thường có các hình ảnh, đĩa vi tính (lưu trữ các file hình ảnh, âm thanh do thừa phát lại thu thập được).
Tài liệu này có giá trị nguồn chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng. 
Vi bằng thừa phát lại
Lập vi bằng là hoạt động làm chứng nên khi nào cần một người đứng ra chứng kiến một sự việc gì đó cho mình bạn đều có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng ngoại trừ các trường hợp được liệt kê dưới đây:
1.     Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lai trong khu vực câm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.
2.     Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.
3.     Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.
4.     Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
5.     Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.
6.     Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.
7.     Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.
8.     Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp lập vi bằng phổ biến:
1.     Vi bằng ghi nhận hành vi các bên giao nhận tiền, tài sản trong các giao dịch (mua bán, tặng cho, thuê-cho thuê, trao đổi…);
2.     Vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng để trước khi bàn giao (làm bằng chứng trong quan hệ giao dịch mua bán);
3.     Vi bằng ghi nhận hiện trạng công trình xây dựng, nhà ở bị lấn chiếm, bị nứt lún (làm bằng chứng khởi kiện người lấn chiếm, người gây nứt lún trước tòa án);
4.     Vi bằng giao thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng do bên đối lập vi phạm nghĩa vụ là điều kiện chấm dứt hợp đồng (hành vi cần thiết, làm điều kiện đủ trước khi nộp đơn khởi kiện trước Tòa án);
5.     Vi bằng ghi nhận các bên ký tên vào văn bản cam kết, thỏa thuận, tờ xác nhận, trình bày lời khai…;
6.     Vi bằng ghi nhận cuộc họp, ký kết vào biển bản cuộc họp (cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng quản trị);
7.     Vi bằng ghi nhận hành vi giao thông báo đòi nhà, phá khóa, kiểm kê tài sản (người thuê nhà, người ở nhờ cố tình không thực hiện nghĩa vụ thanh tóan, nghĩa vụ giao trả nhà khi đến hạn…);
8.     Vi bằng kiểm kê tài sản, di dời tài sản từ địa điểm này đến địa điểm khác.
9.     Vi bằng ghi nhận hành vi trái pháp luật trên internet, hành vi vu khống, làm việc, phát ngôn không đúng theo yêu cầu, không được sự đồng ý của người khác trên website, báo đài;
10. Vi bằng ghi nhận sự chậm trễ trong thi công công trình xây dựng, chậm bàn giao mặt bằng...
11. Vi bằng ghi nhận việc từ chối công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện.

logoblog