Muốn độc lập, Thừa phát lại phải chủ động công việc lập vi bằng

  3/8/23

Danh bạ Thừa phát lại - Ngày 28/7 vừa qua, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Cục Bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi “Tọa đàm về đạo đức nghề Thừa phát lại và khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP”.

Quang cảnh Hội nghị

Chủ trì hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Hường, Cục phó Cục Bổ trợ Tư pháp đã có những thông tin đến buổi Tọa đàm về chủ trương, chính sách của Nhà nước, quan điểm của Bộ Tư pháp trong việc định hướng phát triển nghề Thừa phát lại. Đặc biệt, đồng chí Hường cho biết, Bộ Tư pháp đang được giao xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2020/NĐ-CP nên rất cần sự đóng góp ý kiến của đội ngũ các Thừa phát lại đang hành nghề.

Đồng chí Đoàn Văn Hường

Tại Tọa đàm, các Báo cáo viên đã có những bài tham luận rất sâu sắc liên quan đến những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn của hoạt động Thừa phát lại và đề xuất những giải pháp khắc phục.

Bà Huỳnh Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh nêu những khó khăn về việc “công chức tham mưu quản lý về Thừa phát lại vừa thực hiện đăng ký vi bằng vào sổ đăng ký và lưu trữ vi bằng, vừa kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác chuyên môn khác sẽ không kịp tiến độ theo quy định”. Từ đó, kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét sửa đổi quy định về việc gửi đăng ký vi bằng bản giấy về Sở Tư pháp để giảm tải lượng việc cho cán bộ Sở trong việc vào sổ cũng như vị trí kho lưu trữ vi bằng khi số lượng vi bằng ngày càng tăng như hiện nay.

Báo cáo viên Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội đề cập việc “Các văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại còn rất thiếu và giá trị pháp lý không cao. Do vậy, trong điều kiện chưa thể ban hành ngay Luật về Thừa phát lại thì Quốc hội nên có Nghị quyết cho phép áp dụng về mặt nguyên tắc các quy định trong các đạo luật hiện hành cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Luật thi hành án dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự...”.

Thừa phát lại Nguyễn Văn Lạng

Báo cáo viên Nguyễn Thị Hồ Nga trong tham luận của mình thì nêu khó khăn về việc tuyển dụng đội ngũ nhân sự về Thừa phát lại “Do đặc thù về các công việc mà Thừa phát lại được thực hiện rất khó khăn, chủ yếu ngoài Văn phòng, ở nhiều địa phương khác nhau mà không phân biệt thời gian nên việc tuyển dụng các thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại gặp nhiều khó khăn, nguồn nhân lực về ngành luật chưa yêu thích nghề do ngại khó, ngại khổ”.

Thừa phát lại Nguyễn Thị Hồ Nga

Báo cáo viên Nguyễn Thị Quyên cho rằng quy định về các trường hợp Thừa phát lại không được lập vi bằng hiện nay còn chung chung gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Nó khiến cho các Thừa phát lại có nhiều lúng túng trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân sử dụng vi bằng, gây tâm lý e ngại về giá trị của vi bằng; không biết được hay không được lập vi bằng trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, buổi Tọa đàm cũng ghi nhận được những ý kiến tham gia thảo luận tâm huyết của các Thừa phát lại.

Ông Phạm Anh Dũng, Trưởng Văn phòng thừa phát lại Việt Hưng đề xuất rằng, các quyết định thi hành án của Thừa phát lại nên được Thừa phát lại chủ động ký, ban hành thay vì chuyển cho cơ quan thi hành án công ban hành. Việc Thừa phát lại thụ lý hồ sơ nhưng chuyển cơ quán khác ban hành quyết định làm mất tính tích cực, chủ động của Thừa phát lại trong hoạt động thi hành án.

Ông Hoàng Đức Hoài, Phó Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Miền Nam, tỉnh Bình Thuận thì nêu bất cập của Nghị định 08 khi quy định vi bằng có giá trị nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét giải quyết vụ án dân sự và hành chính. Thực tiễn, có một số vi bằng được lập ghi nhận đoạn ghi âm, tin nhắn có nội dung đe dọa hành hung, giết người có yếu tố cấu thành vi phạm hình sự nhưng cơ quan công an “băn khoăn” khi sử dụng vi bằng để do Nghị định 08 không quy định vi bằng là nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự. Ngoài ra, Nghị định 08 không quy định rõ kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, video (điều đã được Nghị định 61/2009/NĐ-CP quy định) nhưng Sở Tư pháp một số địa phương có quy định nội bộ bắt buộc vi bằng của Thừa phát lại phải có hình ảnh đính kèm; thực tế có một số trường hợp khách hàng yêu cầu Thừa phát lại không được chụp hình vì Nghị định 08 không có quy định. Bên cạnh đó, ông Hoài cũng nêu thực tế là người yêu cầu, người tham gia “sửa vi bằng” của Thừa phát lại đến khi nào họ thống nhất mới thôi vì mẫu vi bằng của Thông tư 05 nói rằng họ phải đồng ý, nhất trí với vi bằng rồi mới ký tên. Ông Hoài đề xuất để tăng tính độc lập của Thừa phát lại trong quá trình lập vi bằng thì vi bằng chỉ cần Thừa phát lại ký tên (tương tự các vi bằng của Cộng hòa Pháp).

Một đại biểu tham gia ý kiến

Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình đề xuất thêm là mức phí tống đạt nên quy định tại Thông tư mà không nên quy định tại Nghị định (hoặc xa hơn là Luật Thừa phát lại) để thuận tiện cho việc điều chỉnh khi không còn phù hợp.

Kết luận Tọa đàm, đồng chí Đoàn Văn Hường đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các Báo cáo viên và đại biểu tham dự hội nghị. Cục Bổ trợ Tư pháp đã tiếp thu và nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 08 trong thời gian sắp tới. 

logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết