Hộ bà Nguyễn Thị Tuyết cư ngụ tại tổ 9, phường Đông Lân, TP. P, tỉnh GL kinh doanh dịch vụ nhà trọ bình dân, có đăng ký phù hợp quy định pháp luật căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể số 39A8005684 ngày 19/11/2012 do Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND TP.P cấp.
Vào lúc 21h10’ ngày 23/12/2013, Đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tỉnh GL đến kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị
Tuyết tại số 241 đường Lê Lai, TP. P, tỉnh GL. Tại thời điểm kiểm tra, có ông
Nguyễn Văn Thường và bà Nguyễn Thị Lành không xuất trình được Giấy đăng ký kết
hôn, đang quan hệ vợ chồng (quan hệ tình dục) tại phòng 11; ông Phan Văn và bà
Nguyễn Thị Thùy không có Giấy kết hôn đang ở chung phòng xem ti vi tại phòng 9.
Ông Thường và bà Lành có lập Bản tường trình đề ngày 23/12/2013 có nội dung là
ông Thường đang công tác tại Trung đoàn X-GL có thuê trọ tại nhà nghỉ Hoàng Lan
để ở cùng với vợ là bà Lành, làm việc tại thị trấn D.C xuống thăm chồng. Ông
Văn và bà Thùy lập Bản tường trình có nội dung bà Thùy thuê phòng còn ông Văn
tới chơi rồi về; ông Văn và bà Thùy đã làm đám hỏi, bà Thùy đã có thai, chuẩn
bị cưới nhưng do ông ngoại chết nên đình lại.
Đoàn kiểm tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa,
thể thao và du lịch số 11/BB-VPHC ngày 23/12/2013 có nội dung: “Tại thời điểm
kiểm tra nhà trọ Hoàng Lan, phòng số 11 có ông Nguyễn Văn Thường và bà Nguyễn
Thị Lành không có giấy kết hôn, đang quan hệ vợ chồng (quan hệ tình dục); phòng
số 9 có ông Phan Văn và bà Nguyễn Thị Thùy không có Giấy kết hôn đang ở chung
phòng xem ti vi. Vào thời điểm kiểm tra tại phòng số 11, chủ cơ sở kinh doanh
không vào sổ bà Nguyễn Thị Lợi. Kết luận: Chủ cơ sở kinh doanh nhà trọ Hoàng
Lan thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy hành vi vi phạm như trên”.
Căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số 11/BB-VPHC ngày 23/12/2013, Chánh
Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh GL đã ban hành Quyết định xử
phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch số
23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 có nội dung xử phạt bà Nguyễn Thị Tuyết 15.000.000 đồng
đối với hành vi “thiếu tinh thần trách nhiệm tạo điều kiện cho người khác lợi
dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để tổ chức hoạt động mại
dâm theo khoản 1 Điều 25 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính
phủ”.
Không đồng ý với nội dung Quyết định số 23 nêu trên, bà Tuyết đã khiếu
nại đến Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh GL và cơ quan này đã ban
hành Quyết định số 01/QĐ-TTr ngày 20/4/2014 về việc giải quyết đơn khiếu nại xử
phạt vi phạm hành chính (lần đầu) có nội dung không chấp nhận khiếu nại của bà
Tuyết, giữ nguyên Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 23/QĐ-XP ngày
10/3/2014.
Sau đó, bà Tuyết đã khởi kiện vụ án hành chính đến Tòa án nhân dân tỉnh
GL yêu cầu Tòa án hủy bỏ Quyết định số 23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 của Chánh Thanh
tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh GL.
1.
Yêu cầu của khách hàng
Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh GL
tuyên hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao
và du lịch số 23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 của Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch tỉnh GL.
PHẦN II: KẾ HOẠCH
HỎI CỦA LUẬT SƯ TẠI PHIÊN TÒA
Tư cách
tham gia xét hỏi: Luật
sư bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện là bà Nguyễn Thị
Tuyết.
Định hướng
bảo vệ: Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện,
tuyên hủy Quyết định xử
phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch số
23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 của Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tỉnh GL.
Định hướng,
mục đích hỏi: Để chứng minh Quyết định xử
phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch số
23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 của Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tỉnh GL là
trái quy định pháp luật.
1.
Hỏi người bị kiện
1.1
Ông Minh cho Hội đồng xét xử biết
ông có trực tiếp có mặt kiểm tra cơ sở nhà bà Tuyết ngày 23/12/2013 không?
.........................................................................................................................................................
1.2
Việc kiểm tra cơ sở nhà bà Tuyết
là đột xuất hay theo định kỳ?
.........................................................................................................................................................
1.3
Tại buổi kiểm tra, đoàn kiểm
tra có yêu cầu ông Nguyễn Văn Thường và bà Nguyễn Thị Lành viết bản tường trình
không?
1.4
Có phải trong Bản tường trình,
ông Thường và bà Lành khai là vợ chồng đúng không?
.........................................................................................................................................................
1.5
Tại Bản tường trình, ông Thường
khai là đang công tác tại Trung đoàn X-GL đúng không?
.........................................................................................................................................................
1.6
Ông có xác minh tình trạng hôn
nhân của ông Thường và bà Lành tại Trung đoàn X-GL trước khi ban hành quyết định
xử phạt không?
.........................................................................................................................................................
1.7
Đoàn kiểm tra có thu thập được
chứng cứ ông Thường và bà Lành có trao đổi tiền, lợi ích vật chất để quan hệ
tình dục không?
.........................................................................................................................................................
1.8
Tại buổi kiểm tra, đoàn kiểm
tra có yêu cầu ông Phan Văn và bà Nguyễn Thị Thùy viết bản tường trình không?
.........................................................................................................................................................
1.9
Ông Văn và bà Thùy khai trong Bản
tường trình là họ đã làm đám hỏi, bà Thùy đã có thai nhưng do ông ngoại chết
nên phải đình lại đám cưới, đúng không?
.........................................................................................................................................................
1.10
Ông có xác minh tình trạng hôn
nhân của ông Văn, bà Thùy tại địa phương họ trước khi ban hành quyết định xử phạt
không?
.........................................................................................................................................................
1.11
Nam nữ thuê nhà trọ nghỉ có bắt
buộc xuất trình giấy đăng ký kết hôn cho chủ cơ sở hay không? Nếu có thì được quy định tại văn bản
quy phạm pháp luật nào?
1.12
Việc bố trí phòng nghỉ nam
riêng, nữ riêng tại cơ sở lưu trú có phải là quy định bắt buộc không? Nếu có
thì được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào?
.........................................................................................................................................................
1.13
Khi ban hành Quyết định số 23/QĐ-XP, ông có căn cứ Nghị định 67/2013/NĐ-CP để giải
quyết không?
.........................................................................................................................................................
2.
Hỏi người khởi kiện
2.1
Hộ của bà có giấy phép kinh
doanh nhà trọ được cơ quan có thẩm quyền cấp không?
2.2
Ngày nào thì bà nhận được Quyết
định số 23/QĐ-XP?
2.3
Khi khách vào thuê trọ, bà có
yêu cầu khách hàng xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu không?
.........................................................................................................................................................
2.4
Trong quá trình kinh doanh, bà
có giải pháp nào để phòng ngừa hoạt động mại dâm diễn ra tại cơ sở lưu trú của
mình không?
.........................................................................................................................................................
2.5
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 có gây thiệt hại cho cơ sở kinh doanh của bà
không?
.........................................................................................................................................................
2.6
Bà có yêu cầu Bên bị kiện bồi
thường thiệt hại gì không?
.........................................................................................................................................................
PHẦN III: LUẬN CỨ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP
CỦA NGƯỜI KHỞI KIỆN
Kính thưa Hội đồng xét xử và vị đại diện Viện Kiểm sát!
Thưa các
Luật sư đồng nghiệp.
Tôi là Luật sư .................. – Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Hoài Đức, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, tham gia phiên tòa ngày hôm nay với vai
trò là Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Nguyễn Thị Tuyết, là người khởi
kiện Quyết định xử phạt vi pham hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao,
du lịch số 23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 của Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch tỉnh GL.
Thưa Hội đồng xét xử!
Sau khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và qua phần hỏi đáp tranh tụng công khai tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay, tôi xin trình
bày quan điểm bảo vệ quyền lợi người khởi kiện như sau:
Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời
khai tại phiên tòa ngày hôm nay thì đã thể hiện rõ diễn biễn, tình tiết của vụ
án. Do đó, tôi xin phép không tóm tắt lại nội dung vụ án.
1. Xác định điều kiện khởi kiện
Về đối tượng khởi kiện, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số
23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 của Chánh Thanh tra Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh
GL là quyết định hành chính thuộc đối tượng khiếu kiện hành chính theo khoản 1,
khoản 2 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
Về quyền khởi kiện, bà Tuyết là đối tượng bị xử phạt theo quyết định
hành chính nhưng không đồng ý nên có quyền khiếu kiện hành chính với tư cách là
người khởi kiện theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm
2015.
Về người bị kiện, Chánh Thanh tra Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh
GL là người ban hành quyết định hành chính bị khởi kiện nên phải tham gia phiên
tòa với tư cách người bị kiện theo khoản 9 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm
2015.
Về thời
hiệu khởi kiện, Quyết định số 23/QĐ-XP được ban hành ngày 10/3/2014; bà Tuyết
nộp đơn khởi kiện ngày 02/05/2014. Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 116 Luật tố tụng hành
chính năm 2015 thì bà Tuyết khởi kiện vụ án hành chính trong thời hiệu khởi kiện.
Về tòa án có thẩm quyền, căn cứ Điều 30, khoản 2 Điều 32 Luật tố tụng
hành chính năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh
GL.
Do đó, việc Tòa án nhân dân tỉnh GL thụ lý vụ án hành chính theo đơn khởi
kiện của bà Tuyết là phù hợp các quy định tại Luật tố tụng hành chính năm 2015.
2. Về nội
dung
Bà Tuyết
yêu cầu Tòa án
nhân dân tỉnh GL tuyên hủy
bỏ Quyết định số 23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 của Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tỉnh GL là hoàn toàn có cơ sở bởi Quyết định này có những vi
phạm như sau:
Thứ nhất,
Quyết định số 23/QĐ-XP được ban hành quá thời hạn quy định.
Thời điểm
lập Biên bản vi phạm hành chính (23/12/2013) đến khi ban hành Quyết định xử
phạt (10/3/2014) tổng cộng là 77 ngày. Căn cứ khoản 1 Điều 66, điểm c khoản 1
Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thời hạn ban hành quyết định
xử phạt vi phạm hành chính tối đa là 60 ngày (kể cả thời gian gia hạn) tính từ
thời điểm lập Biên bản vi phạm hành chính; quá thời hạn này thì không được ban
hành quyết định xử phạt. Do đó, việc ban hành quyết định xử phát trong trường
hợp này là đã quá hạn và thuộc trường hợp không được ban hành quyết định xử
phạt.
Thứ hai, người
bị kiện áp dụng sai văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành Quyết định số
23/QĐ-XP.
Trong
Quyết định số 23/QĐ-XP và tại phiên tòa ngày hôm nay, người bị kiện thừa nhận
rằng đã áp dụng Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để xử lý hành vi của bà Tuyết. Theo
quy định tại khoản 1 Điều 72 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì Nghị định này có
hiệu lực thi hành từ ngày 28/12/2013 nhưng hành vi của bà Tuyết xảy ra trước đó
tức vào ngày 23/12/2013.
Căn cứ khoản
1 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì “Văn bản quy
phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm
pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang
có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo
quy định đó”.
Tại thời
điểm xảy ra hành vi của bà Tuyết thì Nghị định số 73/2010/NĐ-CP đang có hiệu
lực áp dụng. Căn cứ Điều 73 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì Nghị định này chỉ
được áp dụng hồi tố nếu có các quy định có lợi cho người vi phạm. Giả thiết là hành
vi của bà Tuyết là có vi phạm thì căn cứ điểm đ khoản 3 Điều 14 Nghị định số
73/2010/NĐ-CP, bà Tuyết chỉ bị xem xét phạt tiền từ 5.000.0000 đồng đến
15.000.000 đồng nhưng căn cứ Điều 25 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì bà Tuyết
bị xem xét phạt tiền mức khởi điểm là từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Do đó, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP đương nhiên được áp dụng để xem xét hành vi
của bà Tuyết mà không phải là Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Như vậy,
người bị kiện đã áp dụng sai văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành quyết định
xử phạt hành chính.
Thứ ba, Quyết
định số 23/QĐ-XP được ban hành để xử phạt hành vi không xảy ra.
Quyết
định số 23/QĐ-XP căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số 11/BB-VPHC ngày
23/12/2013 để xử phạt bà Tuyết hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm tạo điều
kiện cho người khác lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự
để tổ chức hoạt động mại dâm. Căn cứ khoản 1, 2, 3 Điều 3 Pháp lệnh phòng,
chống mại dâm năm 2003 thì mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm, là có sự trao
đổi tiền bạc, lợi ích vật chất khác để quan hệ tình dục. Tuy nhiên, theo nội dung Biên bản vi phạm hành
chính số 11/BB-VPHC, Đoàn kiểm tra không ghi nhận có hành vi mua dâm, bán dâm
tại nhà trọ bà Tuyết tại thời điểm kiểm tra. Như vậy, Quyết định số 23/QĐ-XP
được ban hành để xử phạt một hành vi không được ghi nhận tại Biên bản vi phạm
hành chính hay nói cách khác là không xảy ra trên thực tế.
Tại Biên
bản lời khai ngày 18/6/2014 thì đại diện của người bị kiện viện dẫn Thông tư
33/2010/TT-BCA và cho rằng cơ sở cho thuê lưu trú phải bố trí phòng nghỉ nam
riêng, nữ riêng trừ trường hợp là vợ chồng. Tuy nhiên, căn cứ điểm e khoản 2
Điều 6 Thông tư 33/2010/TT-BCA ngày 05/10/2010 thì không có quy định việc phải
bố trí phòng nghỉ nam riêng, nữ riêng như trên. Ngoài ra, điểm e khoản 2 Điều 6
Thông tư 33/2010/TT-BCA cũng chỉ yêu cầu “Người đến lưu trú có trách nhiệm
xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; Hộ chiếu; các
loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp; giấy xác
nhận cử đi công tác của cơ quan, tổ chức; xác nhận của cơ quan đến liên hệ công
tác; xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.”.
Như vậy,
pháp luật không buộc các cơ sở kinh doanh lưu trú như hộ bà Tuyết phải bố trí
phòng nghỉ nam riêng, nữ riêng. Ngoài ra, khi bố trí nam và nữ ở chung thì cũng
không quy định việc xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mới được ở chung
phòng.
Thứ tư,
Quyết định số 23/QĐ-XP được ban hành trái thẩm quyền
Hành vi
bị xử phạt tại Quyết định số 23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 là áp dụng khoản 1 Điều 25
Mục 2 Chương II Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Tuy nhiên, căn cứ
Điều 69 của Nghị định này thì Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ có
thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi quy định tại Mục 4 Chương II của Nghị
định này. Như vậy, Quyết định này đã được ban hành không đúng thẩm quyền.
Từ những
phân tích nêu trên, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 Điều
193 Luật tố tụng hành chính năm 2015 chấp thuận yêu cầu của bà Nguyễn Thị
Tuyết, tuyên huỷ toàn bộ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động
văn hóa, thể thao và du lịch số 23/QĐ-XP ngày 10/3/2014 của Chánh
Thanh tra Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh GL.
Trên đây
là quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Người khởi kiện bà Nguyễn Thị
Tuyết. Kính mong Hội đồng xét xử quan tâm xem xét để có phán quyết công minh. Tôi
xin chân thành cảm ơn.
Trân trọng!
Link tải hồ sơ: Tại đây (xem trong phần mô tả video)