(Hoailegal)-Chế định Thừa phát lại đã được Quốc hội cho thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2009. Cuối năm 2012, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục cho mở rộng thực hiện thí điểm chế định này ra một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng, muốn thí điểm thành công chế định này, còn rất nhiều trở ngại cần vượt qua.
Thừa phát lại không có đất cho sự vụ lợi, nếu thấy không làm được thì không nên làm |
Cần gỡ vướng mắc về thể chế
Qua 2 năm thực hiện thí điểm tại TP Phố Hồ Chí Minh, chế định Thừa phát lại đã phát huy hiệu quả nhất định, góp phần giảm tải công việc cho cơ quan Tòa án và Thi hành án, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân ở một số công việc. Tuy nhiên nó cũng bộc lộ nhiều thiếu sót.
Để chế định này ngày càng đi vào cuộc sống tốt hơn, tránh những chồng chéo, vướng mắc như thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị để lấy ý kiến của các Bộ, Ngành, cơ quan ở một số nội dung như phạm vi công việc Thừa phát lại được làm; tiêu chuẩn bổ nhiệm Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại; Phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại; thủ tục xác minh của Thừa phát lại; phạm vi thi hành theo địa hạt của Thừa phát lại; việc phối hợp giữa văn phòng Thừa phát lại với các cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành án của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại đối với hoạt động Thừa phát lại…
Không mới, vẫn khó
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp thẳng thắn các vấn đề liên quan, nêu lên những kiến nghị để góp phần hoàn thiện chế định này.
Ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TANDTC - cho rằng: Đây là một chế định mang tính dịch vụ, sắp tới ngoài TP Hồ Chí Minh sẽ có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, do vậy cần phải xem xét cân nhắc thật kỹ các vấn đề để khi ra đời Nghị định được sửa đổi bổ sung sẽ không còn vướng mắc trở ngại và không trái với các quy định pháp luật khác.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - đại diện VKSNDTC - tán thành việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua và cho rằng nên vận dụng linh hoạt để thực hiện chế định này được tốt. “Vì đây đang là giai đoạn thí điểm nên cứ mạnh dạn, có như thế mới rút được nhiều kinh nghiệm và xem tính khả thi của nó” – ông Hùng đề xuất.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng hiện nay nhiệm vụ của hoạt động Thừa phát lại chưa được rõ ràng nên cần phải xác định rõ hơn cái nào được Tòa án, Thi hành án giao, cái nào không, chứ không để nhập nhằng khiến nhiều người trở nên mơ hồ, hiểu sai vấn đề.
Về phía những người trực tiếp hoạt động Thừa phát lại, ông Lê Mạnh Hùng - Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh - nêu lên nhiều vấn đề khó khăn mà Thừa phát lại đang gặp phải như không nhận được sự hợp tác của cơ quan Thuế, Ngân hàng khi xác minh thông tin; việc tống đạt một số quyết định còn chậm trễ, gặp khó khăn bởi có khi cần tới 8 chữ ký và 3 con dấu nên rất mất thời gian, phiền hà.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh: “Thừa phát lại không là một chế định hoàn toàn mới, mà đã được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Ở Việt Nam cũng đã từng được áp dụng thực hiện ở miền Nam, nhưng sau giải phóng chế định này không còn được duy trì, do đó khi thực hiện thí điểm trở lại chế định này thì nhiều người dân còn e dè bởi còn thiếu thông tin. Do vậy, để thực hiện thí điểm thành công chế định này đến năm 2015 thì các địa phương thực hiện phải có tinh thần trách nhiệm cao, có báo cáo thông tin với Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban. Sở Tư pháp các địa phương cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với Tòa án, Viện kiểm sát ở địa phương mình”.
Thứ trưởng cũng lưu ý, thực hiện chế định Thừa phát lại là thực hiện chủ trương lớn của Đảng: “Nó không có đất cho sự vụ lợi, nếu thấy không làm được thì không nên làm. Còn khi đã làm thì phải hiệu quả, tuyệt đối không để chuểnh choảng, gây ảnh hưởng đến cả chủ trương rất lớn…”./.
Nguồn tin: phapluatvn.vn