Thành lập Hội Thừa phát lại TP. Hồ Chí Minh

  1/5/22
Blog Thừa phát lại - Ngày 06/11/2021, Đại hội thành lập Hội Thừa phát lại TP. Hồ Chí Minh đang diễn ra tại Hội trường Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, số 272 Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.


Sau khi Hội Thừa phát lại TP. Hà Nội được thành lập vào tháng 3 năm 2021 thì đây là Hội Thừa phát lại thứ hai trên cả nước được ra đời.

Chế định Thừa phát lại được triển khai trở lại tại Việt Nam từ năm 2009 và sau hơn 10 năm, các Hội Thừa phát lại đầu tiên mới được thành lập, hướng đến thành lập Hiệp hội Thừa phát lại Việt Nam.

Tham dự Đại hội là gần 100 Hội viên đăng ký tham gia Hội cùng đại diện Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, các Sở, ban ngành có liên quan và phóng viên báo đài đến đưa tin.

Công tác tổ chức đảm bảo về công tác phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Toàn bộ đại biểu phải đeo khẩu trang kháng khuẩn. Ở ngay lối ra vào, các đại biểu được hướng dẫn khai báo y tế đầy đủ, sử dụng nước sát khuẩn và ngồi giãn cách.

Vào phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu tiến hành thông qua Quy chế Đại hội, Bầu Đoàn Chủ tịch và Ban thư ký, Ban bầu cử, thảo luận về Dự thảo Điều lệ Hội Thừa phát lại TP. Hồ Chí Minh đồng thời hiệp thương danh sách ứng cử viên Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ 2021-2026. Trong phiên làm việc này, các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện về Điều lệ của Hội.

Ông Lê Mạnh Hùng – Trưởng Văn phòng Thừa phát lại TP. Hồ Chí Minh đồng thời là Trưởng ban vận động thành lập Hội cho biết: “Hội Thừa phát lại TP. Hồ Chí Minh là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công dân đang hành nghề Thừa phát lại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Thừa phát lại là hội viên của Hội; duy trì sự ổn định, phát triển hoạt động Thừa phát lại. Việc thành lập Hội Thừa phát lại TP. Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Thừa phát lại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Thừa phát lại cả nước nói chung, giúp cho các Thừa phát lại có một mái nhà chung, đại diện cho tiếng nói, ý chí của Thừa phát lại trong các vấn đề liên quan”.

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Quận 1 – Thành viên Ban Chấp hành lâm thời phấn khởi: “Tôi rất vui mừng khi hoạt động nghề nghiệp của mình được các cấp lãnh đạo công nhận và cho phép việc thành lập Hội để tập thể Thừa phát lại có một tổ chức chung, sinh hoạt có nề nếp và tiếng nói chung”.

Vào buổi chiều, Đại hội tiếp tục họp, thảo luận và thông qua Điều lệ Hội, bầu Ban Chấp hành, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội, Ban kiểm tra và thông qua Nghị quyết Đại hội và bế mạc.

Đúng 13 giờ 30 phút, Đại hội tiếp tục phiên làm việc vào buổi chiều. Trong phiên làm việc chính thức vào buổi chiều, Đại hội vinh hạnh có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Đức Chính - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục công tác phía Nam của Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Trường Thiệp - Phó giám đốc Học viện Tư pháp, kiêm Trưởng cơ sở tại TP.HCM, đại diện các Sở, ban, ngành, các đồng nghiệp Thừa phát lại ở các địa phương khác, đại diện Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, Hội Công chứng TP. Hồ Chí Minh.

Hiện, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Điều lệ của Hội, đã hoàn thành bỏ phiếu bầu Ban chấp hành, Ban kiểm tra của Hội và đang trong quá trình kiểm phiếu.

Vào lúc 16 giờ 00, Ban kiểm phiếu công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành và Ban kiểm tra Hội Thừa phát lại TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2022 như sau:

Các ứng viên trúng cử Ủy viên Ban Chấp hành. Trong đó, ông Lê Mạnh Hùng là Chủ tịch Hội Thừa phát lại, bà Vũ Thị Trường Hạnh - Phó Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Tiến Pháp - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội.

Ông Trương Lâm Danh được bầu là Trưởng Ban kiểm tra của Hội:

Đồng chí Nguyễn Đức Chính - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, một người có nhiều công lao và tâm huyết đối với Thừa phát lại Việt Nam, được bầu làm Chủ tịch danh dự của Hội.

Đại hội bế mạc vào lúc 16 giờ 40 phút.

Tác giả: Đức Hoài
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết