Chưa cần thiết ban hành Luật Thừa phát lại

  16/9/22

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án (THA), Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2002 Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác THA dân sự và đạt kết quả đáng ghi nhận.

Kết quả thi hành xong về việc đạt trên 68% (tăng gần 2%), về tiền đạt hơn 31% (tăng gần 6%). Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng được quan tâm thực hiện. Theo đó, đã thi hành xong gần 1.500 việc với hơn 10.300 tỉ đồng (tăng hơn 8.300 tỉ đồng). Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng số lượng bản án có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn ở mức cao...

Liên quan đến hoạt động thừa phát lại (TPL), báo cáo thẩm tra dẫn số liệu cho thấy hiện cả nước có 145 văn phòng TPL (tăng 19 văn phòng so với cùng kỳ). Tuy nhiên, hoạt động TPL vẫn còn hạn chế, nhất là về xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA của các tổ chức TPL ngày càng giảm. “Đến nay, Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị được dự án Luật TPL theo yêu cầu tại Nghị quyết 107 năm 2015 của QH ” - bà Lê Thị Nga nói.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng năm 2022 là “một kết quả vượt bậc trong công tác THA”. Nhấn mạnh về kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ông Long cho rằng có một “cú hích” về mặt chiến lược là có Chỉ thị 04 của Ban bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế...

Nói về việc “án chuyển kỳ sau nhiều”, ông Long thừa nhận đây là một thực tế. “Lý do chủ yếu là không có tiền và không có tài sản, cứ tích lại vậy thôi” - ông nói và cho hay nguyên nhân khác do công tác thống kê.

Về công tác TPL, ông Long đề nghị tiếp tục thực hiện theo nghị quyết của QH, các văn bản pháp luật hiện hành của Chính phủ. “Tôi thấy chưa đủ phạm vi và nội dung cũng như là sự bức thiết phải có ngay Luật TPL bây giờ. Số lượng văn phòng, số lượng các vụ việc cũng rất hạn chế” - ông Long nhấn mạnh.

Nguồn: Trích đăng từ báo PLO

logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết