Số lượng văn phòng thừa phát lại sẽ bùng nổ?

  12/4/20
Blog Thừa phát lại - Sự phát triển của chế định Thừa phát lại ở nước ta theo các quy định mới (phân biệt với giai đoạn trước năm 1975) đến nay có thể được chia làm 02 giai đoạn:
- Giai đoạn thí điểm: 2009 – 2015;
- Giai đoạn chính thức: 2016 – hiện tại.
Trong giai đoạn thí điểm, chúng ta có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đã có khoảng 50 văn phòng thừa phát lại được thành lập.
Hình ảnh khai trương 1 văn phòng thừa phát lại
Ở giai đoạn chính thức, tính đến ngày 18/02/2020, cả nước có 89 VP Thừa phát lại được thành lập[1]. Như vậy, sau hơn 04 năm hoạt động chính thức, chỉ mới có thêm 40 văn phòng thừa phát lại được thành lập mới. Đây là một con số khiêm tốn khi chế định này đã đi vào hoạt động chính thức trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, đây là điều khá dễ hiểu bởi các nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, tuy đi vào hoạt động chính thức nhưng thừa phát lại vẫn sử dụng các quy định cũ đã có từ thời gian thí điểm để hoạt động. Đây là một điều khá phi lý. Chính không có một văn bản pháp luật hoàn chỉnh, thay thế cho các quy định cũ đã khiến thừa phát lại hoạt động mà có rất nhiều điểm vướng mắc đặc biệt là trong công tác phối hợp và lập vi bằng. Các địa phương vẫn xem thừa phát lại như là một loại hình thí điểm với tâm lý chờ văn bản mới ban hành thì mới có thể xúc tiến cho phép thành lập.
Thứ hai, lực lượng thừa phát lại vẫn còn mỏng tại các địa phương. Cá nhân muốn được bổ nhiệm thừa phát lại thì phải có thời gian công tác pháp luật từ đủ 05 năm trở lên và phải trải qua khóa đào tạo, bồi dưỡng thừa phát lại theo quy định. Tuy nhiên, số lượng người được đào tạo, bồi dưỡng chưa được nhiều.
Thứ ba, chính vì chưa có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh nên các tổ chức, cá nhân mặc dù có phát sinh công việc thuộc thẩm quyền của thừa phát lại nhưng vẫn e ngại đề nghị thừa phát lại hỗ trợ, đặc biệt là hoạt động thi hành án dân sự. Do đó, đa phần các văn phòng thừa phát lại hoạt động cầm chừng, phải bù lỗ. Điều này tạo tâm lý dè dặt cho các cá nhân mặc dù đủ điều kiện nhưng không hào hứng thành lập văn phòng; các cá nhân đủ điều kiện bổ nhiệm, đăng ký hành nghề thừa phát lại nhưng không tham gia vào công việc này.
Nghị định 08 được ban hành như cởi trói cho hoạt động thừa phát lại. Dù chưa phải là “Luật về thừa phát lại” như kỳ vọng nhưng Nghị định số 08 đã quy định hoàn chỉnh, đầy đủ về tất cả các vấn đề về hoạt động thừa phát lại và đặc biệt là được ban hành trong thời gian chế định này hoạt động chính thức nên tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tất cả các bên tham gia thực hiện. Các địa phương trước đây đang có tâm lý chờ Nghị định mới sẽ bắt đầu khởi động việc cho phép thành lập văn phòng thừa phát lại bởi những lợi ích, ý nghĩa mà nó mang lại cho đời sống pháp lý của người dân, bổ trợ đắc lực cho các hoạt động tư pháp khác. Đáng chú ý, đối với đơn vị hành chính là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thì được thành lập 02 văn phòng thừa phát lại.
Ngoài ra, với hơn 9 năm hiện diện và khẳng định vai trò tích cực của mình trong đời sống pháp lý, cộng với sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng, Thừa phát lại sẽ ngày càng nhận được sự tin tưởng, yêu cầu thực hiện công việc của người dân. Nguồn thu được cải thiện, bù đắp chi phí hoạt động của văn phòng sẽ là yếu tố thúc đẩy nhiều nhân lực ngành luật tham gia vào hoạt động này. Bên cạnh đó, việc quy định thời gian công tác pháp luật 03 năm là đủ bổ nhiệm thay vì 05 năm như trước đây sẽ là động lực để gia tăng số lượng các thừa phát lại.

Tác giả: Đức Hoài
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết