Thừa phát lại tống đạt theo thủ tục nào?

  2/11/19
Blog Thừa phát lại - Hiện nay, Thừa phát lại chưa có 1 quy trình tống đạt riêng nên hồ sơ tống đạt là thuộc quy định của pháp luật tố tụng hay thi hành án thì thực hiện theo quy trình tống đạt của các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 61 và khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 09 thì thủ tục tống đạt văn bản về thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thủ tục tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng. Do đó, nội dung của mục này được phân tích tương ứng với hai loại văn bản tống đạt vừa nêu.
Nghị định số 61, Nghị định số 135 và Thông tư liên tịch số 09 đều có sử dụng thuật ngữ “tống đạt” để quy định việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự do thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dưới góc độ lý luận, thủ tục thông báo, cấp, tống đạt văn bản là các thủ tục độc lập và có sự khác nhau. Căn cứ Điều 39 đến Điều 43 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì các văn bản về thi hành án dân sự được gửi đến đương sự thông qua thủ tục thông báo về thi hành án. Việc giao nhận các văn bản thi hành án giữa cơ quan thi hành án dân sự và đương sự được lập thành “Biên bản về việc giao quyết định, văn bản về thi hành án” (Mẫu số D33-THADS ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp). Như vậy, căn cứ các quy định hiện hành thì hoạt động thi hành án dân sự không có thủ tục “tống đạt” văn bản. Do đó, theo tác giả, các văn bản quy phạm pháp luật về thừa phát lại sử dụng một thuật ngữ chung là “tống đạt” để quy định về việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự do thừa phát lại thực hiện là chưa thực sự chính xác.
Thừa phát lại đang niêm yết văn bản tống đạt ở Ủy ban nhân dân phường
Theo khoản 3 Điều 39 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì việc thông báo thi hành án dân sự được thực hiện thông qua ba phương thức như sau: Thông báo trực tiếp; niêm yết công khai và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật về thừa phát lại không quy định nhưng theo tác giả, thừa phát lại chỉ có chức năng thông báo văn bản thi hành án dân sự theo hai phương thức đầu tiên bởi đây là các phương thức mà thừa phát lại trực tiếp thực hiện việc giao nhận, thông báo văn bản thi hành án dân sự đến đương sự. Đối với phương thức thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng thì người trực tiếp thực hiện thông báo là chủ sở hữu hoặc cơ quan quản lý phương tiện thông tin đại chúng.
1.1. Thủ tục thông báo trực tiếp
Sau khi nhận bàn giao văn bản từ cơ quan thi hành án dân sự, thừa phát lại hoặc thư ký được phân công sẽ trực tiếp thông báo văn bản cho đương sự theo địa chỉ mà cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu. Địa chỉ cần thông báo là địa chỉ thể hiện trên bảng kê bàn giao văn bản.
Đối với cá nhân
Thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân được quy định tại Điều 40 Luật thi hành án dân sự năm 2008. Người tiến hành thông báo sẽ giao trực tiếp cho đương sự và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ. Nếu đương sự từ chối nhận thông báo nhưng người tiến hành thông báo đã lập biên bản, có chữ ký của người chứng kiến thì việc thông báo được coi là hợp lệ tương tự với việc thông báo tận tay đương sự hoặc người thân thích mà không cần phải tiến hành niêm yết[1]. Trên thực tế, một số cơ quan thi hành án dân sự vẫn yêu cầu văn phòng thừa phát lại tiến hành niêm yết văn bản nếu thuộc trường hợp này.
Nếu đương sự vắng mặt tại thời điểm thông báo thì người tiến hành thông báo giao thông báo cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó. Người nhận thay thông báo thi hành án cho cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, đó là phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Đây là người từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự[2]. Theo tác giả, đây là một quy định hợp lý bởi thông báo thi hành án dân sự là một thủ tục rất quan trọng, ràng buộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án lẫn người cần thông báo, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thi hành án dân sự. Do đó, người nhận thông báo thay cần có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để nhận thức được trách nhiệm của mình khi nhận thông báo thay là phải giao lại văn bản tận tay cho người cần thông báo.
Thứ hai, đó là người cùng cư trú với người cần thông báo văn bản. Xét về câu chữ, “cùng cư trú” có nghĩa là cả người cần thông báo lẫn người nhận thay thông báo cùng cư trú một địa chỉ. Hiện nay, việc xác định nơi cư trú của cá nhận được Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật cư trú năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 cùng quy định. Tuy nhiên, hai văn bản luật này có quy định không thống nhất về nơi cư trú của cá nhân. Bộ luật dân sự xác định nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống hoặc nơi người đó đang sinh sống[3]. Luật cư trú thì xác định nơi cư trú là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống và có đăng ký thường trú hoặc nơi tạm trú; nếu không xác định được thì theo tiêu chí này thì là nơi người đó đang sinh sống[4]. Như vậy, Bộ luật dân sự xác định nơi cư trú của cá nhân theo tiêu chí là địa chỉ thực tế mà người đó sinh sống nhưng Luật cư trú bổ sung thêm một tiêu chí là việc cư trú phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền (đăng ký thường trú hoặc tạm trú). Theo tác giả, xét theo ngữ cảnh thì “cùng cư trú” trong thông báo thi hành án nên được hiểu là đương sự và người thân thích của đương sự cùng cư trú tại địa chỉ mà cơ quan thi hành án yêu cầu văn phòng thừa phát lại đi thông báo thể hiện trên bảng kê bàn giao văn bản.
Thứ ba, đó là người có quan hệ thân thích với người cần thông báo văn bản và thuộc một trong số những người được liệt kê theo pháp luật thi hành án dân sự. Những người này gồm: Vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự. Quy định này nhằm đảm bảo người nhận văn bản thay biết rõ về người cần thông báo và vì mối quan hệ thân thích mà họ thấy có trách nhiệm nhận thay văn bản lúc người đó đi vắng và bàn giao lại văn bản lúc người này trở về địa chỉ cư trú. Hiện nay, đối tượng “người thân thích” được quy định trong văn bản của một số lĩnh vực như công chứng[5], thừa phát lại[6], tố tụng dân sự[7], tố tụng hình sự[8], hôn nhân gia đình[9], điều kiện mang thai hộ[10]... Quy định về người thân thích trong các lĩnh vực này là chưa thống nhất với nhau về mặt câu chữ nhưng nhìn chung đã liệt kê và làm rõ mối quan hệ của người thân thích với chủ thể trong quan hệ mà pháp luật muốn điều chỉnh, ví dụ, điểm c khoản 1 Điều 7 Luật công chứng năm 2014 quy định người thân thích “là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi”. Do đó, theo tác giả, để tránh việc gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, người thân thích nhận thay văn bản thi hành án cần được điều chỉnh theo hướng làm rõ quan hệ những người sau đây đối với đương sự: Về con thì cần xác định rõ là con đẻ, con nuôi hoặc cả hai; về cha, mẹ thì cần xác định rõ là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi hoặc cả hai; về  bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự thì cần xác định rõ họ là bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em “ruột” của đương sự.
Thủ tục giao văn bản cho người thân thích nhận thay là một thủ tục cần thiết bởi điều này vừa tạo cơ chế cho người cần thông báo tiếp nhận được văn bản vừa giúp cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành trách nhiệm thông báo để tiến hành các thủ tục thi hành án tiếp theo. Tuy nhiên, quy định về thủ tục này vẫn có bất cập cần hoàn thiện để việc thực hiện của văn phòng thừa phát lại, cơ quan thi hành án  được chặt chẽ, tránh ảnh hưởng đến kết quả thi hành án.
Khi giao văn bản cho đương sự hoặc người thân thích nhận thay, người tiến hành tống đạt phải lập thành biên bản, có chữ ký nhận hoặc điểm chỉ của những người này. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ.
Đối với cơ quan, tổ chức
Thủ tục thông báo trực tiếp cho đối tượng này được quy định tại Điều 41 Luật thi hành án dân sự năm 2008. Người tiến hành thông báo giao trực tiếp văn bản thông báo cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận; Trường hợp cơ quan, tổ chức được thông báo có người đại diện tham gia việc thi hành án hoặc cử người đại diện nhận văn bản thông báo thì những người này ký nhận văn bản thông báo.
Việc thông báo thi hành án cho cơ quan, tổ chức và thông báo thi hành án cho cá nhân có điểm tương đồng là cùng có hành vi giao nhận văn bản và ký nhận. Về sự khác nhau, giữa chúng có hai điểm gồm: Ngoài việc ký hoặc điểm chỉ thì cần đóng dấu của cơ quan, tổ chức trên biên bản thông báo; thứ hai, có bốn loại người có trách nhiệm nhận thông báo thi hành án cho cơ quan, tổ chức gồm người đại diện theo pháp luật, người chịu trách nhiệm nhận văn bản (bộ phận hành chính – văn thư), người đại diện tham gia việc thi hành án hoặc người được cử đại diện nhận văn bản thông báo. Đối với cá nhân, đích danh người này nhận thông báo, nếu người này vắng mặt thì có thể giao cho người thân thích nhưng đây chỉ là cơ chế nhận thay.
Ngoài việc giao tận tay văn bản cho người cần thông báo và giao cho người thân nhận thay thì thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác tương tự khi người thông báo có yêu cầu là một trong các hình thức của thông báo trực tiếp[11]. Tuy nhiên, trên thực tế, rất hiếm trường hợp đương sự yêu cầu thực hiện thông báo qua hình thức này và nếu có thì người tiến hành thông báo là cơ quan thi hành án thông qua địa chỉ điện tử của cơ quan thi hành án mà không cần đến vai trò của thừa phát lại.
1.2. Thủ tục niêm yết công khai
Niêm yết là việc dán giấy để thông báo chính thức, công khai cho công chúng biết về một vấn đề gì đó[12]. Thủ tục này được quy định trọn vẹn tại Điều 42 Luật thi hành án dân sự năm 2008. Theo tác giả, đây là thủ tục “bất đắc dĩ”, chỉ tiến hành khi đã áp dụng các biện pháp thông báo trực tiếp mà không thành công. Phương thức này không đảm bảo người cần thông báo sẽ nhận được hoặc biết được nội dung văn bản cần thông báo.
Về điều kiện
Thủ tục này được thực hiện khi không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Không rõ địa chỉ của người được thông báo không có nghĩa là người tiến hành tống đạt không tìm được địa chỉ mới của người cần thông báo. Đây là trường hợp đương sự đã chuyển đi nơi khác mà thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ không biết địa mới của đương sự.
Không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp là trường hợp người tiến hành tống đạt không thông báo trực tiếp được cho đương sự và cũng không thực hiện được thủ tục cho người thân thích nhận thay khi đương sự đi vắng, chủ yếu là ba trường hợp sau đây: Đương sự vắng nhà nhưng người thân thích từ chối nhận thay hoặc đồng ý nhận thay nhưng từ chối ký nhận thay; đương sự vắng nhà nhưng không có người thân thích đủ điều kiện nhận thay văn bản; người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về.
Khi nghiên cứu các quy định liên quan đến điều kiện niêm yết văn bản thi hành án, tác giả thấy phát sinh các vấn đề sau cần trao đổi làm rõ:
Thứ nhất, cá nhân đã chết, doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể thì có thực hiện thủ tục niêm yết hay không. Theo tác giả, thông báo thi hành án là hoạt động nhằm thông báo thông tin về thi hành án cho cá nhân, tổ chức cụ thể để những chủ thể này nắm được thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Cá nhân đã chết, doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể là đã chấm dứt sự tồn tại nên không thể tiếp nhận thông báo thi hành án và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Do đó, người tiến hành thông báo sẽ lập biên bản và gửi trả văn bản thi hành án về lại cho cơ quan thi hành án.
Thứ hai, đối với việc thông báo cho cá nhân và địa chỉ cần thông báo là nơi làm việc thì có thực hiện thủ tục niêm yết hay không. Đối với trường hợp này, chỉ có duy nhất hình thức thông báo trực tiếp. Nếu không thông báo trực tiếp được thì người tiến hành tống đạt lập biên bản và hoàn trả lại cơ quan thi hành án mà không niêm yết công khai. Bởi vì, một trong ba địa chỉ cần niêm yết công khai là nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo (địa chỉ cần thông báo) nhưng trường hợp vừa nêu là địa chỉ làm việc.
Về thủ tục
Nhìn chung, người tiến hành thông báo thực hiện hai bước là niêm yết văn bản và lập biên bản về việc niêm yết. Để dự phòng, cơ quan thi hành án thường bàn giao cho văn phòng thừa phát lại 02 bản chính hoặc 01 bản chính và 01 bản sao văn bản cần thông báo. Khi thuộc trường hợp niêm yết, người tiến hành thông báo sẽ niêm yết lần lượt tại ba nơi gồm: Nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo; trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa chỉ cần thông báo; trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Có một điều đang chú ý là thuật ngữ “cư trú” tại điều luật về người thân thích chưa được minh định là theo pháp luật cư trú hay pháp luật về dân sự nhưng thuật ngữ “cư trú” tại điều luật niêm yết đã được quy định là xác định theo pháp luật về cư trú[13].
Về việc lập biên bản niêm yết công khai, người tiến hành tống đạt lập biên bản và có chữ ký của người chứng kiến. Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp quy định hai loại biên bản cần lập là Biên bản về việc giao quyết định, văn bản về thi hành án (làm cơ sở cho việc niêm yết) và Biên bản về việc niêm yết công khai quyết định, giấy tờ về thi hành án cho cơ quan thi án nhà nước thực hiện. Văn bản quy phạm pháp luật về thừa phát lại hiện hành chưa quy định về các loại biểu mẫu này nên các văn phòng thừa phát lại tự ban hành hai loại biểu mẫu tương tự để tiến hành thủ tục niêm yết[14].
Về thời gian niêm yết
Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ. Cơ quan thi hành án có thể tiến hành các thủ tục thi hành án ngay sau khi niêm yết văn bản mà không phải chờ hết 10 ngày niêm yết.
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 61 và khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 09 thì thủ tục tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng. Pháp luật về tố tụng dân sự, hành chính quy định việc giao, nhận văn bản của Tòa án với đương sự được thực hiện bởi ba hình thức là cấp, tống đạt, thông báo; pháp luật về tố tụng hình sự quy định nhiều hình thức gồm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng. Trong phạm vi luận văn này, tác giả gọi chung thủ tục giao, nhận văn bản của Tòa án với đương sự là thủ tục tống đạt. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định tương đồng nhau về các phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng gồm:
-         Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.
-         Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
-         Niêm yết công khai.
-         Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
-         Cấp, tống đạt, thông báo văn bản cho đương sự ở nước ngoài.
Đối với vụ việc do hai bộ luật này điều chỉnh, văn phòng thừa phát lại chỉ thực hiện tống đạt trực tiếp và niêm yết công khai. Phương thức tống đạt qua dịch vụ bưu chính, qua phương tiện điện tử và phương tiện thông tin đại chúng do chính các tổ chức này thực hiện việc tống đạt cho Tòa án. Đối với hồ sơ tống đạt cho đương sự ở nước ngoài, văn phòng thừa phát lại không thực hiện bởi không thuộc thẩm quyền tống đạt theo lãnh thổ.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định số lượng phương thức tống đạt ít hơn gồm: Cấp, giao, chuyển trực tiếp; Gửi qua dịch vụ bưu chính; Niêm yết công khai; Thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng. Tương tự, hai lĩnh vực nêu trên, văn phòng thừa phát lại chỉ tống đạt theo hai phương thức là cấp, giao, chuyển trực tiếp và niêm yết công khai. Trên thực tế, văn phòng thừa phát lại hiếm khi thực hiện việc tống đạt văn bản trong lĩnh vực tố tụng hình sự và nếu có thực hiện thì chỉ tống đạt cho người bị hại, người làm chứng là chủ yếu. Có lẽ, do tính chất quan trọng trong việc tổ chức một phiên tòa hình sự nên Tòa án thường trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan công an thực hiện việc tống đạt.
2.1. Thủ tục tống đạt trực tiếp
Đối với cá nhân
Tương tự thủ tục thông báo trực tiếp văn bản thi hành án, người tiến hành tống đạt văn bản của Tòa án sẽ giao trực tiếp văn bản cần tống đạt cho đương sự và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ vào biên bản.
Nếu đương sự từ chối nhận văn bản thì người tiến hành tống đạt sẽ lập biên bản ghi nhận sự việc có xác nhận của chính quyền địa phương. Đối với văn bản tố tụng hình sự thì người tiến hành tống đạt không cần phải niêm yết mà việc lập biên bản này xem như đã hoàn thành việc tống đạt[15]. Tuy nhiên, đối với văn bản tố tụng dân sự và hành chính thì pháp luật chưa quy định rõ ràng nên vẫn tồn tại hai cách xử lý là niêm yết và không niêm yết tùy quan điểm của mỗi Tòa án, mỗi thẩm phán thụ lý hồ sơ[16].
Nếu đương sự vắng mặt thì người tiến hành tống đạt phải lập biên bản và giao cho một trong số những người khác đủ điều kiện nhận thay để giao lại cho đương sự. Khi giao văn bản cho đương sự hoặc người nhận thay, người tiến hành tống đạt phải lập thành biên bản, có chữ ký nhận hoặc điểm chỉ của những người này.
So với thủ tục thông báo thi hành án, việc giao văn bản cho người khác nhận thay trong lĩnh vực tố tụng có hai điểm khác biệt như sau:
Thứ nhất, chủ thể nhận thay văn bản khi người cần tống đạt vắng mặt là đa dạng hơn. Trong lĩnh vực thi hành án, người nhận thay là người thân thích nhưng đối với lĩnh vực tố tụng thì người nhận thay không chỉ là người thân thích mà còn có các đối tượng khác. Về văn bản tố tụng dân sự, ngoài người thân thích thì tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc là người nhận thay[17]. Về văn bản tố tụng hành chính, người nhận thay là tổ trưởng tổ dân phố[18]. Tuy cách sử dụng từ ngữ khác nhau nhưng nhìn chung đây là người đứng đầu một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư (không phải là đơn vị hành chính) được tổ chức dưới xã, phường[19]. Về văn bản tố tụng hình sự, người nhận thay là chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập để giao lại cho người được nhận. Cơ quan, tổ chức đã nhận thay văn bản tố tụng hình sự phải thông báo ngay kết quả việc cấp, giao, gửi văn bản tố tụng cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng[20].
Thứ hai, về người thân thích nhận thay, Luật thi hành án dân sự năm 2008 liệt kê cụ thể những chủ thể được xem là người thân thích. Nhưng ở trong lĩnh vực tố tụng, các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực không có quy định chủ thể nào là người thân thích. Trước đây, khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 còn hiệu lực, người thân thích được quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (văn bản này đã hết hiệu lực theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005).
Người thân thích nhận thay văn bản cũng tương tự quy định về thông báo thi hành án dân sự tức người nhận thay phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, cùng cư trú với đương sự.
Đối với cơ quan, tổ chức
Thủ tục tống đạt trực tiếp cho cơ quan, tổ chức được thực hiện tương tự Điều 41 Luật thi hành án dân sự năm 2008. Người tiến hành tống đạt giao trực tiếp văn bản thông báo cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận; Trường hợp cơ quan, tổ chức có người đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì những người này ký nhận văn bản tố tụng đó. Điểm khác nhau duy nhất là khoản 4 Điều 138 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định văn bản tố tụng hình sự được giao trực tiếp cho người đại diện của cơ quan, tổ chức nhưng không làm rõ chi tiết người đại diện là ai như pháp luật thi hành án dân sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.
2.2. Thủ tục niêm yết công khai
Về điều kiện
Đối với văn bản tố tụng dân sự và hành chính, khoản 1 Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 108 Luật tố tụng hành chính quy định giống nhau về điều kiện thực hiện thủ tục niêm yết công khai. Điều kiện đó là không thể cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp văn bản tố tụng. Từ quy định này, theo tác giả, các trường hợp sau đây sẽ dẫn đến việc niêm yết văn bản: (01) Đương sự đi vắng, không có người thân thích đủ điều kiện nhận thay và không giao được cho tổ trưởng tổ dân phố tống đạt thay; (02) đương sự đi vắng, người thân thích đủ điều kiện và tổ trưởng tổ dân phố từ chối nhận thay văn bản; (03) đương sự không còn cư trú tại địa chỉ cần tống đạt và không rõ đang ở đâu.
Đối với văn bản tố tụng hình sự, khoản 1 Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định việc niêm yết được thực hiện khi không rõ địa chỉ hoặc không rõ người được cấp, giao đang ở đâu.
Như vậy, điều kiện niêm yết văn bản trong tố tụng hình sự là đơn giản nhất, tiếp đến là điều kiện niêm yết thông báo thi hành án dân sự và sau cùng là điều kiện niêm yết văn bản tố tụng dân sự, hành chính. Bởi vì, mặc dù có cơ chế để người thân thích, chính quyền địa phương nơi đương sự cư trú, cơ quan, tổ chức nơi đương sự công tác, học tập nhận thay văn bản nhưng chỉ cần “không rõ người được cấp, giao đang ở đâu” như trường hợp đương sự đi vắng là có thể tiến hành niêm yết văn bản. Đối với thông báo thi hành án dân sự, nếu đương sự đi vắng thì phải thông báo qua người thân thích, nếu không được thì mới tiến hành niêm yết. Đối với tố tụng dân sự và hành chính, nếu đương sự đi vắng thì phải tống đạt qua người thân thích, tổ trưởng tổ dân phố, khi nào không thể tống đạt qua cả hai nhóm người này thì mới tiến hành niêm yết.
Về thủ tục
Tương tự lĩnh vực thi hành án dân sự, thủ tục niêm yết công khai trong tố tụng dân phải được thực hiện hai bước là niêm yết văn bản và lập biên bản về việc niêm yết. Địa chỉ niêm yết văn bản tố tụng dân sự và hành chính là tương đồng với thông báo thi hành án tức niêm yết ở ba nơi gồm trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt hoặc thông báo.
Riêng đối với văn bản tố tụng hình sự, thủ tục niêm yết đơn giản hơn khi chỉ thực hiện tại một trong hai địa điểm là trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cuối cùng người được cấp, giao văn bản tố tụng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi cuối cùng người đó làm việc, học tập.
Về thời hạn niêm yết
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định giống nhau về thời hạn niêm yết. Theo đó, thời hạn niêm yết là 15 ngày kể từ ngày niêm yết. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì quy định thời hạn niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày kể từ ngày niêm yết; thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày kết thúc việc niêm yết[21]. Như vậy, thời hạn niêm yết văn bản tố tụng là dài hơn so với thời gian niêm yết văn bản thi hành án dân sự (niêm yết 10 ngày). Quy định về niêm yết văn bản tố tụng dân sự - hành chính, văn bản tố tụng hình sự và văn bản thi hành án dân sự có những điểm khác nhau cơ bản như sau:
Thứ nhất, pháp luật về thi hành án dân sự không dùng thuật ngữ “thời hạn” niêm yết như pháp luật tố tụng mà dùng thuật ngữ “thời gian” niêm yết. Tòa án phải có đủ 15 ngày niêm yết văn bản mới được tiến hành thủ tục tố tụng tiếp theo nhưng cơ quan thi hành án dân sự không cần phải chờ 10 ngày niêm yết mà có thể tiến hành thủ tục thi hành án tiếp theo trong ngày đầu tiên niêm yết văn bản.
Thứ hai, thời hạn niêm yết văn bản tố tụng dân sự - hành chính (15 ngày), thời gian niêm yết văn bản thi hành án dân sự (10 ngày) là cố định và không có tăng hoặc giảm. Tuy nhiên, thời hạn niêm yết văn bản tố tụng hình sự là 15 ngày nhưng có thể nhiều hơn.
Thứ ba, cách tính thời điểm hoàn thành việc tống đạt, thông báo là có sự khác nhau giữa pháp luật thi hành án dân sự và pháp luật tố tụng. Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ, tức ngày niêm yết là ngày đương sự đã được thông báo thi hành án. Thời điểm hoàn thành tống đạt văn bản tố tụng hình sự là ngày kết thúc việc niêm yết. Thời điểm hoàn thành việc tống đạt văn bản tố tụng dân sự, hành chính không được pháp luật quy định trực tiếp nhưng với cách sử dụng thuật ngữ “thời hạn” niêm yết trong điều luật liên quan thể hiện ngày hoàn thành việc tống đạt là ngày kết thúc niêm yết[22].




[1] Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015.
[2] Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015;
[3] Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015;
[4] Điều 12 Luật cư trú năm 2006;
[5] Điểm c khoản 1 Điều 7 Luật công chứng năm 2014;
[6] Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009;
[7] Khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (văn bản này đã hết hiệu lực nhưng vẫn có giá trị tham khảo, áp dụng trong nội bộ ngành Tòa án);
[8] Điểm e khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
[9] Khoản 19 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
[10] Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015;
[11] Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015.
[12] Viện khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách Khoa & Nxb Tư pháp, tr.592.
[13] Khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016.
[14] Xem Phụ lục số 04 đến Phụ lục số 07.
[15] Khoản 3 Điều 138, Khoản 1 Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
[16] Điều 177 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Điều 106 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
[17] Khoản 5 Điều 177 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
[18] Khoản 4 Điều 106 Luật tố tụng hành chính năm 2015;
[19] Điều 2 Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/6/2012 của Bộ Nội vụ;
[20] Khoản 2 Điều 138 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
[21] Khoản 2 Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
[22] Khoản 1 Điều 148 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.”
Nguồn: Luận văn "Hoạt động tống đạt của Thừa phát lại theo pháp luật Việt Nam" - Lê Thị Hương, 2019, Đại học Kinh tế - Luật.
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết