Blog Thừa phát lại - Hiện nay, công việc tống đạt của thừa phát lại đang gặp phải những khó khăn nhất định liên quan đến thủ tục. Việc cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành một bộ biểu mẫu về tống đạt hoàn chỉnh dẫn đến mỗi văn phòng thừa phát lại có một bộ biểu mẫu khác nhau. Đồng thời, giữa cơ quan yêu cầu tống đạt và các văn phòng thừa phát lại còn có “nhận thức khác nhau về trình tự, thủ tục tống đạt trong một số trường hợp như tống đạt qua người thân thích, người được tống đạt vắng mặt không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ, thủ tục niêm yết văn bản”[1]. Ngoại trừ trường hợp tống đạt trực tiếp cho đích danh người cần tống đạt và có chữ ký nhận của người này vào biên bản thì các trường hợp khác, thừa phát lại được yêu cầu phải có sự chứng kiến, xác nhận hoặc cung cấp thông tin của nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan. Bên cạnh đó, thừa phát lại cũng gặp một số khó khăn như xác định người thân thích đủ điều kiện nhận thay văn bản, đương sự từ chối nhận văn bản, một số khó khăn khác thì liên quan đến cơ chế phối hợp giữa văn phòng thừa phát lại với tổ dân phố, ủy ban nhân dân và cơ quan công an. Qua thực tiễn tống đạt cho thấy, thủ tục về tống đạt “còn nặng về hình thức, thủ tục ký tên, đóng dấu mà chưa thực sự quan tâm đến nội dung, thậm chí trong một số trường hợp còn có thể bị khai thác để hợp thức hóa cho gian dối, vì chỉ cần con dấu của Ủy ban nhân dân”[2]. Theo quy định, hầu hết các biên bản tống đạt đều phải được Ủy ban nhan dân cấp xã xác nhận dẫn đến tình trạng dồn gánh nặng sang cho công chức tư pháp. Trong khi đó, pháp luật giao quá nhiều việc cho chức danh này trong khi biên chế vị trí này ở mỗi Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có từ 01 đến 02 người. Vì vậy, công chức tư pháp không làm hết việc, công tác tống đạt bị ứ động như một “nút thắt cổ chai”. Một số trường hợp cần làm rõ nơi cư trú của đương sự làm cơ sở cho việc niêm yết cần phải có xác minh, đóng dấu của cơ quan công an, hầu hết dẫn đến tình trạng tống đạt trễ hạn. Thông thường, một biên bản tống đạt, nếu phải thông qua người thứ ba thì cần có khoảng 05 chữ ký và 02 con dấu. Trường hợp cần niêm yết phải có 06 chữ ký và 02 con dấu, nếu phải xác minh nơi cư trú của đương sự trước khi niêm yết phải có đến 08 chữ ký và 03 con dấu mới được xem là hoàn thành trả lại cho Tòa án và cơ quan thi hành án.
Đa số các vướng mắc vừa nêu không phải chỉ đến khi thừa phát lại đi tống đạt mới gặp mà trước đây thẩm phán, chấp hành viên hoặc thư ký đã từng gặp. Nếu chậm hoàn thành việc tống đạt sẽ tạo ra nhiều điểm nghẽn của tiến trình xét xử, thi hành án bởi một hồ sơ vụ án hoặc thi hành án dân sự sẽ phải thực hiện nhiều lần tống đạt văn bản cho nhiều đương sự. Theo tác giả, muốn thúc đẩy chất lượng hoạt động xét xử và thi hành án dân sự thì ngoài việc có lực lượng chuyên trách tống đạt thì phải có quy trình tống đạt phù hợp. Thừa phát lại là những người có chuyên môn và kinh nghiệm công tác pháp luật, được đào tạo về lĩnh vực tống đạt và được Nhà nước bổ nhiệm qua trình tự, thủ tục kỹ lưỡng. Ngoài ra, đây là người có uy tín trong xã hội khi thực hiện chức năng làm chứng. Do đó, tác giả kiến nghị xây dựng một quy trình tống đạt riêng cho thừa phát lại theo hướng nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của các văn phòng thừa phát lại, tăng cường tính tích cực, chủ động của thừa phát lại và chỉ phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phối hợp khi cần thiết, đồng thời “giải phóng công chức tư pháp, cũng như các chủ thể khác như tổ trưởng tổ dân phố, công an khu vực ra khỏi trách nhiệm tống đạt”[3]. Một số điểm khác biệt của quy trình này so với quy trình tống đạt trong pháp luật tố tụng và thi hành án dân sự là:
Thừa phát lại đang niêm yết văn bản của Tòa án tại địa chỉ cần tống đạt
Đa số các vướng mắc vừa nêu không phải chỉ đến khi thừa phát lại đi tống đạt mới gặp mà trước đây thẩm phán, chấp hành viên hoặc thư ký đã từng gặp. Nếu chậm hoàn thành việc tống đạt sẽ tạo ra nhiều điểm nghẽn của tiến trình xét xử, thi hành án bởi một hồ sơ vụ án hoặc thi hành án dân sự sẽ phải thực hiện nhiều lần tống đạt văn bản cho nhiều đương sự. Theo tác giả, muốn thúc đẩy chất lượng hoạt động xét xử và thi hành án dân sự thì ngoài việc có lực lượng chuyên trách tống đạt thì phải có quy trình tống đạt phù hợp. Thừa phát lại là những người có chuyên môn và kinh nghiệm công tác pháp luật, được đào tạo về lĩnh vực tống đạt và được Nhà nước bổ nhiệm qua trình tự, thủ tục kỹ lưỡng. Ngoài ra, đây là người có uy tín trong xã hội khi thực hiện chức năng làm chứng. Do đó, tác giả kiến nghị xây dựng một quy trình tống đạt riêng cho thừa phát lại theo hướng nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của các văn phòng thừa phát lại, tăng cường tính tích cực, chủ động của thừa phát lại và chỉ phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phối hợp khi cần thiết, đồng thời “giải phóng công chức tư pháp, cũng như các chủ thể khác như tổ trưởng tổ dân phố, công an khu vực ra khỏi trách nhiệm tống đạt”[3]. Một số điểm khác biệt của quy trình này so với quy trình tống đạt trong pháp luật tố tụng và thi hành án dân sự là:
Thứ nhất, thừa
phát lại thực hiện việc tống đạt là độc lập, không cần sự chứng kiến, xác nhận
của chính quyền địa phương trên biên bản tống đạt ngoại trừ trường hợp trong biên
bản tống đạt có ghi các thông tin do địa phương cung cấp hoặc niêm yết tại trụ
sở Ủy ban nhân dân. Ví dụ, công an phường cung cấp thông tin là đương sự chuyển
đi nơi khác thì trên biên bản tống đạt phải có xác nhận cơ quan này, biên bản
niêm yết ở trụ sở Ủy ban nhân dân phường thì phải có sự chứng kiến của đại diện
Ủy ban nhân dân. Các trường hợp còn lại như đương sự đi vắng, giao cho người
thân thích, giao cho tổ trưởng tổ dân phố hoặc niêm yết tại địa chỉ đương sự
thì không cần phải có sự chứng kiến, xác nhận của cá nhân, tổ chức khác. Trên
thực tế hiện nay, nhiều trường hợp, việc phối hợp của tổ dân phố, ủy ban nhân
dân cấp xã chỉ dừng lại ở mức hình thức bởi vì các cá nhân, tổ chức này không
phải lúc nào cũng có thời gian để trực tiếp đi cùng hỗ trợ người thực hiện tống
đạt. Thừa phát lại là người được Nhà nước giao chức năng, nhiệm vụ tống đạt nên
khi thực hiện công việc tống đạt phải “chịu
trách nhiệm về tính hợp lệ của việc tống đạt, nếu tống đạt không đúng thì không
được thanh toán chi phí, phải thực hiện việc tống đạt lại, nếu gây thiệt hại
thì phải bồi thường”[4].
Thứ hai, khi
đương sự từ chối nhận văn bản, thừa phát lại lập biên bản ghi nhận việc từ chối
thì xem như đã hoàn thành việc tống đạt mà không thực hiện thủ tục niêm yết.
Niêm yết văn bản là phương thức dự phòng buộc phải thực hiện khi áp dụng các biện
pháp để thông báo trực tiếp cho đương sự mà không được. Hiện nay, trường hợp tống
đạt văn bản tố tụng hình sự và thông báo thi hành án dân sự mà đương sự từ chối
nhận thì không phải niêm yết[5]. Nếu
đương sự từ chối nhận văn bản tố tụng dân sự, hành chính thì do pháp luật chưa
quy định rõ ràng nên việc niêm yết hay không tùy quan điểm của Tòa án, thẩm
phán thụ lý hồ sơ[6]. Theo tác giả, việc tống đạt
văn bản nhằm mục đích để đương sự biết được nội dung văn bản để thực hiện quyền,
nghĩa vụ của mình. Nếu văn bản cần tống đạt có nội dung, hình thức phù hợp với
quy định của pháp luật thì đương sự có nghĩa vụ nhận để nắm nội dung và thực hiện.
Ngược lại, đương sự có quyền khiếu nại, khiếu kiện cơ quan ban hành văn bản. Việc
đương sự đã trực tiếp gặp người đi tống đạt, biết được người này đến để giao,
thông báo cho mình văn bản về vấn đề gì nhưng từ chối nhận văn bản là xem thường
pháp luật, xem thường Tòa án và cơ quan thi hành án đồng thời đã chối bỏ quyền,
nghĩa vụ của mình. Do đó, chúng ta cần xem đây là trường hợp đương sự đã được tống
đạt hợp lệ mà không cần phải tiến hành thêm phương thức niêm yết.
Thứ ba, về điều
kiện niêm yết văn bản, người tiến hành tống đạt phải đến địa chỉ cần tống đạt tối
thiểu 02 lần và cách nhau một quãng thời gian đủ dài nhất định. Điều này nhằm
chứng minh rằng, văn phòng thừa phát lại đã cố gắng thực hiện việc tống đạt trực
tiếp cho đương sự đến cùng nhưng không thể thực hiện, làm cơ sở áp dụng biện
pháp niêm yết. Ở nước Pháp, khi đến lần đầu tiên mà không gặp, thừa phát lại sẽ
để lại một thông báo (thư) của thừa phát lại để đương sự liên hệ văn phòng thừa
phát lại nhận văn bản[7].
Thứ tư, khi tống đạt thừa phát lại cần
phải có hình ảnh chụp lại để đính kèm vào biên bản. Đây được xem là một “vi bằng” mà thừa phát lại lập nhằm ghi
nhận lại hành vi của chính mình đi tống đạt văn bản cho Tòa án, thông báo thi
hành án cho cơ quan thi hành án. Pháp luật hiện hành quy định biên bản tống đạt,
niêm yết phải có sự chứng kiến, xác nhận của đại diện chính quyền địa phương nhằm
mục đích xác thực hoạt động tống đạt là có thật. Nay, áp dụng việc chụp hình lại
đính kèm vào biên bản là có thể thay thế việc xác thực này.
Thứ năm, quy định chi tiết các chế tài
và áp dụng nghiêm các chế tài nhằm xử lý các hành vi cản trở trong việc tống đạt.
Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Luật thi hành án dân sự năm 2008
được sửa đổi, bổ sung năm 2014 không quy định về xử lý hành vi cản trở thực hiện
việc cấp, tống đạt, thông báo trái quy định. Chỉ có Bộ luật tố tụng dân sự năm
2015 (Điều 493) và Luật tố tụng hành chính năm 2015 (Điều 322) có quy định xử
lý hành vi cản trở việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng
của Tòa án sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên,
chưa có văn bản pháp luật nào quy định chi tiết hình thức xử lý tương ứng với từng
mức độ hành vi vi phạm nên quy định này chỉ nằm trên giấy mà không có cơ chế thực
hiện. Do đó, tác giả kiến nghị bổ sung quy định về mức xử phạt các hành vi này
nhằm nâng cao hiệu quả tống đạt.
Trên đây là các nội dung chủ yếu mà tác giả kiến nghị liên quan đến việc
thiết lập một quy trình riêng về hoạt động tống đạt qua thừa phát lại. Đây là một
đề xuất táo bạo và dễ dẫn đến nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Tuy nhiên, tác
giả vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Các bất cập về quy trình tống đạt hiện tại
đồng thời với sự xuất hiện của một chủ thể hoàn toàn mới chuyên trách việc tống
đạt thì cơ chế, thủ tục tống đạt cũng cần thay đổi cho phù hợp.
[1] Tòa án nhân dân Thành
phố Hồ Chí Minh (2014), “Tham luận: Thừa phát lại – những vướng mắc từ thực tiễn
hoạt động của Tòa án nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Hội thảo thừa phát lại: Những vướng mắc từ thực tiễn, Báo Pháp luật
Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.51.
[2] Nguyễn Tiến Pháp
(2013), “Kinh nghiệm tổ chức, quản lý văn phòng thừa phát lại”, Tài liệu tập huấn cho một số chấp hành viên,
cán bộ tư pháp tại các tỉnh, thành phố mở rộng thí điểm chế định thừa phát lại do
Bộ Tư pháp tổ chức ngày 19-20/12/2013, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.50.
[3] Văn phòng thừa phát lại Quận 10 (2012), “Tham luận chuyên đề hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của
thừa phát lại”, Tài liệu hội nghị tổng kết
thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày
03/8/2012, Bộ Tư pháp – UBND Thành phố Hồ Chí Minh, tr.79.
[4] Báo cáo tổng kết về tổ chức và hoạt động của
văn phòng thừa phát lại Quận 1 tại Hội nghị tổng kết
thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 03/8/2012 do Bộ Tư
pháp tổ chức, tr.72.
[5] Khoản 3 Điều 138, Khoản
1 Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Khoản 4 Điều 12 Nghị định số
62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015.
[6] Điều 177 Bộ luật tố tụng
dân sự năm 2015, Điều 106 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
[7] Bộ Tư pháp (2015),
“Giới thiệu nghề thừa phát lại ở Cộng hòa Pháp”, Tài liệu tọa đàm về thừa phát lại ngày 17/8/2015, Hà Nội, tr.6.
Nguồn: Luận văn "Hoạt động tống đạt của Thừa phát lại theo pháp luật Việt Nam" - Lê Thị Hương, 2019, Đại học Kinh tế - Luật.