Vi bằng bị tranh chấp giá trị pháp lý, phải xử sao?

  16/7/19
Blog Thừa phát lại Hiện nay, đang tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề xử lý vi bằng được lập, đã được đăng ký nhưng thừa phát lại có vi phạm tức là tranh chấp về giá trị pháp lý của vi bằng. Quan điểm thứ nhất cho rằng, các bên yêu cầu Tòa án tuyên vi bằng vô hiệu[1]. Quan điểm này đánh giá vi bằng của thừa phát lại tương tự văn bản công chứng nên nếu có vi phạm thì Tòa án tuyên vô hiệu. Quan điểm thứ hai cho rằng, các bên có thể yêu cầu Tòa án hủy vi bằng[2]. Quan điểm thứ ba thì cho rằng, nếu vi bằng không hợp pháp thì Tòa án từ chối sử dụng mà không phải hủy bỏ vi bằng; vi bằng lúc này chỉ là tờ giấy mà không có giá trị sử dụng. Những người theo quan điểm thứ ba lập luận thêm rằng vi bằng là văn bản ghi nhận lại sự kiện, hành vi có thật, đã diễn ra khách quan, do đó, việc hủy bỏ vi bằng không có nghĩa là hủy bỏ được sự kiện, hành vi đó”[3].
Hình minh họa vi bằng

Hiện nay, pháp luật về tố tụng dân sự không có bất kỳ quy định nào về thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với tranh chấp về giá trị pháp lý của vi bằng. Do đó, nếu người dân có yêu cầu, Tòa án sẽ rất lúng túng trong việc đưa ra hướng giải quyết.
Dưới góc độ lý luận, vi bằng có giá trị chứng cứ trong xét xử và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác nên trường hợp có tranh chấp giá trị pháp lý của vi bằng mà vi bằng đã được đăng ký tại Sở Tư pháp thì phải có cơ chế để vô hiệu hóa giá trị vi bằng, tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác.
Tác giả không đồng tình với quan điểm thứ nhất khi cho rằng, Tòa án tuyên vi bằng vô hiệu để vô hiệu hóa vi bằng. Bởi lẽ, qua nghiên cứu thì thuật ngữ “vô hiệu” thường được áp dụng đối với các hợp đồng, giao dịch có hình thức, nội dung vi phạm quy định của pháp luật. Vi bằng là nội dung làm chứng độc lập của thừa phát lại mà không phải là hợp đồng, giao dịch. Vậy nên, Tòa án tuyên vi bằng vô hiệu như một phương thức vô hiệu hóa giá trị của vi bằng là chưa thực sự hợp lý.
Tác giả không đồng tình với quan điểm thứ ba khi cho rằng, nếu Tòa án hoặc các bên không sử dụng vi bằng thì vi bằng không có giá trị sử dụng nên không cần thiết phải hủy vi bằng. Đây là góc nhìn chưa toàn diện, bởi vì, việc sử dụng vi bằng hiện nay rất đa dạng. Vi bằng có thể không được sử dụng trong vụ việc này nhưng có thể được sử dụng ở một vụ việc khác mà không ai kiểm soát được nếu chúng ta không có một văn bản, quyết định vô hiệu hóa vi bằng của cơ quan có thẩm quyền gửi các bên có liên quan.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai là nên trao quyền cho Tòa án hủy bỏ vi bằng khi phát hiện vi bằng có vi phạm. Đối với các văn bản pháp lý không mang tính hợp đồng, ví dụ: Quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên, bản án của Tòa án, quyết định hành chính,... thì để vô hiệu hóa giá trị của chúng khi có vi phạm, pháp luật quy định phương thức hủy bỏ. Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, không mang tính hợp đồng nên khi có vi phạm, Tòa án tuyên hủy bỏ là hợp lý theo thông lệ chung. Trên thực tế, đã có Tòa án tuyên hủy bỏ vi bằng[4].
Tuy nhiên, cần phân biệt là đối với các vi bằng mà thừa phát lại chỉ vi phạm về thủ tục lập vi bằng thì việc hủy bỏ vi bằng không có nghĩa là hủy bỏ các sự kiện, hành vi nêu trong vi bằng mà chỉ hủy bỏ hình thức chứa đựng thông tin về sự kiện, hành vi. Sau khi vi bằng bị hủy bỏ, lời làm chứng của thừa phát lại trở thành lời làm chứng của người bình thường cùng các tài liệu đính kèm vi bằng vẫn có giá trị là nguồn chứng cứ theo quy định khoản 1, khoản 4 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Điều 46 Nghị định số 61 chỉ quy định chung chung là “đối với việc lập vi bằng, nếu có tranh chấp thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết”. Điều 73 của Dự thảo về thừa phát lại đã quy định chi tiết hơn là tranh chấp liên quan đến hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định; còn tranh chấp về vi bằng thì các bên yêu cầu Tòa án giải quyết. Như vậy, Dự thảo Nghị định về thừa phát lại chưa đưa ra được hướng giải quyết đối với tranh chấp giá trị pháp lý của vi bằng.
Trên cơ sở bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 73 của Dự thảo Nghị định về thừa phát lại như sau
“2. Trường hợp vi bằng đã được đăng ký tại Sở Tư pháp nhưng các bên phát hiện thừa phát lại có vi phạm trong quá trình lập vi bằng thì có quyền yêu cầu Tòa án xem xét hủy bỏ vi bằng”.
Ngoài ra, Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố hủy bỏ vi bằng”.




[1] Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh. “Vi bằng của thừa phát lại phải được đăng ký”. Internet: http://plo.vn/ban-doc/vi-bang-cua-thua-phat-lai-phai-duoc-dang-ky-177238.html, 18/5/2018.
[2] Bùi Trọng Hào. “Lập vi bằng để lại tài sản cho con”. Internet: http://kinhtedothi.vn/lap-vi-bang-de-lai-tai-san-cho-con-274289.html, 18/5/2018.
[3] Báo cáo ngày 06/10/2017 của Bộ Tư pháp về thực trạng lập, đăng ký vi bằng và xử lý vi phạm hành chính trong tổ chức và hoạt động thừa phát lại.
[4] Bản án sơ thẩm số 92/2017/DS-ST ngày 10/8/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và Bản án phúc thẩm số 67/2018/DS-PT NGÀY 13/04/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Nguồn: Trích Luận văn "Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại theo pháp luật Việt Nam" của tác giả Hoàng Đức Hoài, bảo vệ tại Đại học kinh tế - Luật năm 2019.
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết