Thừa phát lại phải khách quan khi thực hiện công việc

  15/5/19
Blog Thừa phát lại Đó là nội dung của khoản 1 Điều 5 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ. Ở mỗi chế độ, mỗi xã hội, mỗi lĩnh vực hoặc mỗi thời điểm khác nhau… khi nhận thấy những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức cần được tuân thủ chặt chẽ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ luật hóa nó để chủ thể có liên quan thực hiện.
thua phat lai phai khach quan
Thừa phát lại đang lập vi bằng giao thông báo
(Ảnh: Website Thừa phát lại Hải Phòng)
Đức tính khách quan nêu ở trên là một ví dụ. Nhà nước luật hóa đức tính khách quan thành trách nhiệm của Thừa phát lại khi thực hiện các công việc mà nhà nước trao quyền. Vậy khách quan là gì và tại sao Nhà nước buộc các Thừa phát lại phải thực hiện?
Khách quan là gì?
Khách quan tức là nói đúng sự thật của một sự vật, sự việc mà mình chứng kiến không thêm bớt hoặc đưa ra nhận xét, phán đoán, bình luận hay bất kỳ từ ngữ nào thể hiện quan điểm, kinh nghiệm của bản thân vào sự vật, sự việc đó.
Dân gian mình có câu “có cái gì, nói cái đó” là muốn người đối diện nói đúng sự thật. Tuy nhiên, dưới góc độ khách quan thì câu này phải nói là “có cái gì, nói cái gì”.
Ví dụ, lúc 10 giờ 00 ngày 15/5/2019, bạn thấy có 01 người mang áo màu vàng đến giao báo cho ông Nam. Nếu ai đó hỏi bạn về thông tin này mà bạn phải thuật lại chính xác, không thêm bớt thông tin nêu trên là bạn đang thể hiện sự khách quan. Nếu bạn thuật lại rằng “Khoảng 10 giờ ngày 15/5/2019, tôi thấy có một người nhìn rất lanh lợi mang áo màu vàng, hơi cũ bước đi rất nhanh đến giao một xấp báo rất dày cho ông Nam” thì câu thuật lại này chưa đảm bảo tính khách quan bởi nó đã được lồng ghép những đánh giá chủ quan của bạn (chữ in nghiêng).
Tại sao làm Thừa phát lại phải khách quan?
Thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp, thực hiện các chức năng liên quan đến pháp luật và được Nhà nước trao quyền. Khi thực hiện công việc, Thừa phát lại đang nhân danh Nhà nước, đại diện cho công lý nên không được phân biệt đối xử và đảm bảo mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013[1].
Vậy nên, Thừa phát lại phải khách quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật và không thiên vị bên nào đặc biệt đối với chức năng lập vi bằng. Với chức năng này, Thừa phát lại đóng vai trò là người làm chứng, xác lập chứng cứ để sử dụng tại Tòa án và trong các giao dịch. Vậy nên, để đảm bảo lời làm chứng đó có giá trị, đúng sự vật, sự việc đã diễn ra, không bị sai lệch, méo mó, thêm bớt, Thừa phát lại thực sự khách quan trong công việc.
Đối với các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác, pháp luật cũng quy định những chủ thể này phải khách quan khi thực hiện công việc, ví dụ: Thẩm phán[2], Hội thẩm[3], Kiểm sát viên[4], Công chứng viên[5].





[1] Điều 16 Hiến pháp năm 2013;
[2] Khoản 3 Điều 76 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014;
[3] Khoản 3 Điều 89 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014;
[4] Khoản 4 Điều 85 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;
[5] Khoản 2 Điều 4 Luật công chứng năm 2014.
Tác giả: Đức Hoài (Vui lòng dẫn nguồn nếu đăng lại bài viết từ trang này)
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết