Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên?

  11/5/19
Blog Thừa phát lại - Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên quy định tại Điều 20 của Luật thi hành án dân sự, trừ khoản 9, khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đó là nội dung của khoản 2 Điều 5 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009.
chap hanh vien và thua phat lai
Chấp hành viên đang tổ chức thi hành án
(Ảnh: Báo Thanh niên)
Thi hành án dân sự là một trong bốn chức năng của Thừa phát lại. Ngoài chức năng này, Thừa phát lại còn đi tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án dân sự và lập vi bằng. Chức năng tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án dân sự giúp Thừa phát lại đóng vai trò như một chấp hành viên của Chi cục thi hành án dân sự (cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện). Khi có bản án, quyết định đã được đóng dấu án có hiệu lực thi hành, đương sự có liên quan đến bản án, quyết định có quyền yêu cầu Thừa phát lại thi hành.
Tuy nhiên, thẩm quyền thi hành án dân sự của Thừa phát lại có một số hạn chế (không trọn vẹn) như sau:
Loại án mà Thừa phát lại được thi hành là hẹp hơn
Thừa phát lại chỉ được thi hành các Bản án, quyết định của Tòa án về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động do đương sự đưa đơn yêu cầu (thi hành án theo đơn yêu cầu). Các Bản án, quyết định hình sự (có phần nghĩa vụ dân sự); Bản án, quyết định hành chính; Các khoản thi hành thuộc diện thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án như án phí, tài sản thu về cho Nhà nước… (gọi là thi hành án chủ động) thì Thừa phát lại không thi hành .
thua phat lai va chap hanh vien
Thừa phát lại đang tổ chức thi hành án
(Ảnh: Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh)
Loại Bản án, quyết định được thi hành là hẹp hơn
Căn cứ khoản 1 Điều 34 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì các loại bản án, quyết định được Thừa phát lại thi hành gồm:
Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;
- Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;
- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng.
Như vậy, Thừa phát lại chỉ được tổ chức thi hành các Bản án, quyết định xuất phát từ Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử sơ thẩm nhưng không bao gồm các Bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện được Tòa án cấp cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Ngoài ra, Thừa phát lại cũng không được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại.
Thừa phát lại không được chủ động hoàn toàn trong việc cưỡng chế thi hành án
Căn cứ theo khoản 1 Điều 39 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì Thừa phát lại được thực hiện cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, đối với trường hợp cưỡng chế có huy động lực lượng thì Thừa phát lại không được tự mình ban hành quyết định cưỡng chế mà phải xin ý kiến của Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện (Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện). Trên cơ sở ý kiến của Ban chỉ đạo thi hành án này mà Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế trình Cục trưởng cục thi hành án dân sự để phê duyệt và ban hành Quyết định cưỡng chế. Như vậy, đối với cưỡng chế có huy động lực lượng thì Thừa phát lại không được tự mình chủ động trong việc cưỡng chế.
Do có hạn chế này nên Thừa phát lại hiện nay chủ yếu thi hành án các vụ việc mà đương sự tự nguyện thi hành án hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế là khấu trừ tiền trong tài khoản.
Thừa phát lại không được xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì Thừa phát lại không được thực hiện việc này.
Thừa phát lại không được sử dụng công cụ hỗ trợ khi thi hành án
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì Thừa phát lại không được thực hiện việc này.
Thừa phát lại không được thi hành án khi phát sinh điều kiện thi hành án ngoài địa bàn cáp huyện nơi đặt trụ sở văn phòng Thừa phát lại
Trước đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP thì Thừa phát lại được thực hiện thi hành án ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 được ban hành quy định Thừa phát lại phải chấm dứt việc thi hành án nếu rơi vào trường hợp này. Điều này kết hợp với việc chưa có cơ chế ủy thác thi hành án giữa các văn phòng Thừa phát lại hoặc giữa văn phòng Thừa phát lại với các chi cục thi hành án khiến mảng tổ chức thi hành án dân sự của Thừa phát lại chưa đạt nhiều kết quả nổi bật.
Tác giả: Đức Hoài


logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết