Thừa phát lại có được nhận ủy quyền tham gia tố tụng?

  7/5/19
Blog Thừa phát lại - Trên tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, tác giả Huỳnh Minh Khánh, công tác tại Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có bài viết với nhan đề "Cán bộ thừa phát lại có quyền nhận ủy quyền trong tố tụng dân sự không?". Đây là một chủ đề khá hay và nhận được sự quan tâm của độc giả:
Nội dung bài viết như sau:
"Một cán bộ của Văn phòng thừa phát lại, đã từng chuyển công văn của Tòa án huyện X, nay được ủy quyền tham gia tố tụng tại Tòa án huyện X. Tình huống này có được chấp nhận hay không?
Ngày 22/9/2018, TAND huyện X, tỉnh T đã thụ lý vụ án dân sự tranh chấp yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật giữa ông Trần Văn Trọng với bà Trần Thị Bơ.
Theo đó, nội dung đơn khởi kiện ông Trọng đã trình bày: Cha mẹ ông là ông Trần Văn Quan và bà Nguyễn Thị Hai có căn nhà gắn liền với thửa đất số 332, diện tích 8.235m2 đất vườn. Cha mẹ ông có tất cả năm người con gồm là Trần Văn Trọng, Trần Thị Bơ, Trần Thị Hải, Trần Văn Phúc và Trần Ngọc Thảo. Vào năm 2016, do bị bệnh nên cha và mẹ ông đã mất, để lại di sản nêu trên nhưng không có di chúc. Ông Trọng và các em đã họp gia đình để bàn việc chia thừa kế theo pháp luật nhưng bà Bơ không đồng ý và bà Bơ là người đang trực tiếp quản lý di sản nêu trên không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của ông Trọng. Từ đó phát sinh tranh chấp nên ông Trọng khởi kiện yêu cầu Tòa án huyện X xử: 
1/ Yêu cầu xác định hàng thừa kế thứ nhất của ông Quan, bà Hai là: Trần Văn Trọng, Trần Thị Bơ, Trần Thị Hải, Trần Văn Phúc, Trần Ngọc Thảo. 
2/ Yêu cầu xác định căn nhà gắn liền với thửa số 332, diện tích 8.235m2 đất vườn là di sản thừa kế của ông Quan, bà Hai chết để lại không có di chúc. 
3/ Yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản là căn nhà gắn liền với thửa số 332, diện tích 8.235m2 đất vườn thành 5 kỷ phần bằng nhau và ông Trọng xin nhận bằng hiện vật là quyền sử dụng đất và căn nhà gắn liền với đất dùng để thờ cúng cha mẹ.
Trong quá trình khởi kiện và đã được Tòa án  huyện X thụ lý vụ án nêu trên thì ông Trọng có ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hưng tham gia tố tụng tại Tòa án. Ông Hưng là cán bộ của Văn phòng thừa phát lại X, mặc dù hiện nay ông Hưng chỉ phụ trách tống đạt văn bản tố tụng cho Tòa án huyện X ngoài tỉnh T.  Trước đây thì ông Hưng đã từng thực hiện công việc tống đạt cho Tòa án huyện X tại địa bàn huyện X.
Từ sự việc nhận ủy quyền của ông Hưng đã xuất hiện hai quan điểm khác nhau về việc ông Hưng có quyền nhận ủy quyền tham gia tố tụng hay không.
 Quan điểm thứ nhất: Những trường hợp không được làm người đại diện theo quy định tại Điều 87 của BLTTDS năm 2015 đã quy định thì trường hợp của ông Hưng không thuộc những trường hợp này nên ông Hưng hoàn toàn có quyền nhận ủy quyền tham gia tố tụng của ông Trọng.
 Quan điểm thứ hai và đây cũng là quan điểm của tác giả: Không đồng ý với quan điểm thứ nhất vì: Khi TAND huyện X và Văn phòng thừa phát lại X hợp đồng dịch vụ thuê Văn phòng thừa phát lại X thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng thì Văn phòng thừa phát lại X đã thực hiện một trong những nhiệm vụ của Tòa án, nó tương tự như trường hợp Tòa án ủy quyền cho Văn phòng thừa phát lại X thực hiện một công việc nhất định của TAND huyện X. Do đó, có thể khẳng định rằng khi thực hiện công việc tống đạt văn bản tố tụng cho huyện X thì Văn phòng thừa phát lại X đã thực hiện thay cho Tòa án. Hơn nữa, khoản 3, Điều 87 BLTTDS 2015 đã quy định: “Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật”.
Do xem công việc tống đạt của Văn phòng thừa phát lại huyện X là công việc làm theo hợp đồng, theo ủy quyền của Tòa án nên chúng ta cần xem cán bộ thừa phát lại là người như cán bộ, công chức trong cơ quan Tòa án. Do đó, trong trường hợp này, ông Hưng không được nhận ủy quyền tham gia tố tụng của đương sự và Tòa án cần có trao đổi với Văn phòng thừa phát lại X để yêu cầu ông Hưng tự rút việc nhận ủy quyền. Trong trường hợp ông Hưng không tự rút thì Tòa án có quyền quyết định tước đi tư cách nhận ủy quyền của ông Hưng để giải quyết vụ án đảm bảo đúng pháp luật.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp và đọc giả!"
thừa phát lại tống đạt
Thừa phát lại đang đi tống đạt
Về vấn đề này, đọc giả Lại Huy Phát có ý kiến như sau: "Tôi không đồng ý với quan điểm thứ 2 của tác giả coi cán bộ văn phòng thừa phát lại huyện X là người như cán bộ, công chức trong cơ quan tòa án, bởi lẽ: Thứ nhất: căn cứ luật công chức, viên chức thì nhân viên thừa phát lại không thuộc quy định theo tiêu chuẩn công chức, viên chức. Thứ hai: Nhân viên Thừa phát lại chả biết ông Thẩm phán, hay thư ký nào của tòa án và họ cũng không có chức trách hay nghiệp vụ về tòa án. Thứ 3: họ không thể làm thay đổi quá trình tố tụng của tòa án khi họ được giao nhiệm vụ công việc tống đạt bởi nếu họ được phân công tống đạt mà không thực hiện đúng quy định họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ như bị cắt hợp đồng làm việc…từ các phân tích trên tôi thấy quan điểm thứ 2 của tác giả không thỏa mãn quy định tại khoản 3 Điều 87 BLDS năm 2015"
Đọc giả Hai cua đồng có ý kiến: "Quan điểm thứ hai không rõ ràng và mang tính chủ quan. Rõ ràng đã nhận định VPTPL thực hiện công việc theo ủy quyền/hợp đồng. Khi công việc tống đạt 1 văn bản đã hoàn thành thì xem như hoàn thành công việc theo ủy quyền/hợp đồng đó, không thể mặc nhiên là phải theo đuổi văn bản đó cả quá trình tố tụng, quá trình tố tụng có thể kéo dài thì không thể nào cho rằng nhiệm vụ của TPL theo ủy quyền/hợp đồng là kéo dài theo cả quá trình tố tụng. Tiếp theo, TPL/Thư ký TPL là người thực hiện công việc theo sự phân công của VPTPL, không thể xem mặc nhiên là cán bộ của tòa, vì những người này không được trả lương thông qua ngân sách, không qua cơ quan Tòa, không chịu sự điều chỉnh của các quy định về cán bộ, công chức của Tòa mà đang chịu sự điều chỉnh của pháp luật về tố tụng. Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất."
Tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất cũng là đồng ý với quan điểm của 2 độc giả nêu trên, bởi vì đơn giản là việc thư ký nghiệp vụ hoặc Thừa phát lại nhận ủy quyền của đương sự tham gia tố tụng không thuộc trường hợp không được phép làm người đại diện tại Điều 87 Bộ luật tố tụng năm 2015. Để phản bác quan điểm thứ hai nêu trên, tác giả thấy quan điểm này có 2 điểm bất hợp lý: Một là, tác giả cho rằng các nhân sự trong văn phòng Thừa phát lại là cán bộ, công chức trong khi Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008 không quy định vấn đề này; Hai là, xem các nhân sự trong văn phòng Thừa phát lại là người nhận ủy quyền từ Tòa án để đi tống đạt trong khi chỉ có Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức chính thức nhận ủy quyền từ Tòa án để đi tống đạt, các thư ký, Thừa phát lại đi tống đạt cũng là theo sự phân công của VP Thừa phát lại. Ngoài ra, theo nội dung vụ việc mà tác giả đưa ra thì ông Hưng không phải là người trực tiếp đi tống đạt văn bản liên quan đến vụ án mà ông đang làm đại diện. Do đó, không có cơ sở nào mà Tòa án bác tư cách đại diên theo ủy quyền của ông Hưng.
Tuy nhiên, dưới góc độ lý luận, để đảm bảo tính khách quan thì nên quy định việc Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ đã đi tống đạt văn bản đến vụ án nào thì không được làm người đại diện tham gia tố tụng tại vụ án đó.
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết