Blog Thừa phát lại - Hoạt động giám định tư pháp đề cập trong mục này là hoạt động
giám định tư pháp theo quy định của Luật giám định tư pháp năm 2012. Lập vi bằng
và giám định tư pháp đều là hoạt động xác lập chứng cứ theo quy định của pháp
luật. Nội dung vi bằng và kết luận giám định tư pháp đều là chứng cứ để Tòa án
xem xét giải quyết vụ việc nếu hoạt động lập vi bằng, hoạt động giám định được
tiến hành theo đúng thủ tục quy định của pháp luật.
Về
chủ thể yêu cầu
Theo quy định, Thừa phát lại lập vi bằng
theo yêu cầu của đương sự. Ngoại trừ những người thân thích theo quy định của
pháp luật và bản thân Thừa phát lại thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có quyền
yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng. Không có yêu cầu của đương sự thì Thừa phát
lại không thể xác lập vi bằng.
Đối với hoạt động giám định tư pháp, có
hai phương thức thực hiện giám định là trưng cầu giám định và yêu cầu giám định.
Chủ thể hoạt động trưng cầu giám định là cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến
hành tố tụng[1]. Cơ sở
cho việc trưng cầu giám định có thể là theo yêu cầu của đương sự hoặc khi cơ
quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết cho việc giải
quyết vụ việc. Chủ thể yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự,
vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp
việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị
can, bị cáo nhưng phải đáp ứng điều kiện là họ đã đề nghị cơ quan tiến hành tố
tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận[2].
Nhìn chung, chủ thể yêu cầu giám định tư
pháp bao gồm cả cá nhân, tổ chức tương tự hoạt động lập vi bằng. Tuy nhiên, những tổ chức, cá nhân này có
đặc điểm là liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án
hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Còn đối với hoạt động lập
vi bằng, chủ thể yêu cầu là rộng, đa dạng hơn nhiều và không bắt buộc phải
liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Hình minh họa: Hoạt động lập vi bằng (ảnh trái) và giám định tư pháp (ảnh phải)
Về
chủ thể tiến hành
Chủ thể tiến hành giám định tư pháp là
cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định
tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư
pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc[3]
(gọi chung là người giám định tư pháp).
Thừa phát lại và người giám định tư pháp
đều có điểm chung là được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của mình, được Nhà nước trao quyền thực hiện các
công việc chuyên môn. Điểm khác nhau là chủ thể tiến hành lập vi bằng chỉ có cá
nhân còn chủ thể giám định tư pháp bao gồm cả cá nhân và tổ chức. Ngoài ra, văn
phòng Thừa phát lại nơi Thừa phát lại hành nghề là một tổ chức tư nhân nhưng tổ
chức giám định tư pháp vừa có công lập vừa có tư nhân.
Về
thủ tục tiến hành
Tuy đều phải tuân theo trình tự, thủ tục
nhất định nhưng thủ tục lập vi bằng mang tính “linh hoạt” hơn hoạt động giám định tư pháp. Cụ thể, hoạt động lập vi
bằng được thực hiện theo yêu cầu của đương sự, thông qua một thỏa thuận mang
tính dân sự giữa hai chủ thể là văn phòng Thừa phát lại và đương sự và diễn ra
tại bất kỳ thời điểm nào (tố tụng và tiền tố tụng).
Hoạt động giám định tư pháp gắn liền với
hoạt động tố tụng và thủ tục thực hiện phụ thuộc một phần vào hoạt động của cơ
quan tiến hành tố tụng. Cụ thể, trưng cầu giám định là hoạt động giám định do
cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện; trường hợp yêu cầu
giám định thì đương sự cũng phải trải qua thủ tục yêu cầu cơ quan tiến hành tố
tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định nhưng cơ quan, cá nhân này từ
chối.
Về
nội dung
Hoạt động lập vi bằng là hoạt động ghi
nhận lại các sự kiện, hành vi do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến một khách
quan, trung thực. Thừa phát lại không đưa ra quan điểm, đánh giá, nhận xét hoặc
kết luận về sự kiện, hành vi được chứng kiến.
Ngược lại, hoạt động giám định tư pháp
là hoạt động mang tính kết luận chuyên môn. Người giám định tư pháp sẽ sử dụng
kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về
chuyên môn những vấn đề có liên quan[4].
Về cơ bản, quá trình giám định có thể trải qua hai bước gồm: Một là, Giám định
viên ghi nhận thông tin về đối tượng mà mình cần giám định; Hai là, Giám định
viên sử dụng các kiến thức khoa học để kết luận về tính chất của đối tượng cần
giám định. Như vậy, bước đầu tiên của Giám định viên có sự tương đồng với hoạt
động lập vi bằng của Thừa phát lại vì đều có nội dung là ghi nhận thông tin về
đối tượng.
Ví dụ, ông A phát hiện chai nước ngọt mà
mình mua của công ty B có con ruồi bên trong. Ông A yêu cầu Thừa phát lại lập
vi bằng ghi nhận về sự việc này. Vi bằng của Thừa phát lại sẽ mô tả là trong
chai nước ngọt có con ruồi, ngoài ra có thể mô tả thêm nhãn mác chai nước, thời
gian sử dụng, màu sắc chai nước, kích thước chai… Khi tiến hành giám định,
ngoài việc ghi nhận thông tin ban đầu tương tự Thừa phát lại, Giám định viên sẽ
đưa ra các kết luận mang tính chuyên môn như chai nước có bị tác động bởi ngoại
lực để mở nắp hay chưa, vỏ chai nước có phải là vỏ chai theo mẫu do công ty B
công bố hay không, thành phần trong chai nước có tương đồng với thành phần của
các chai nước khác cùng loại do công ty B sản xuất…
Về
giá trị pháp lý
Cả vi bằng và kết luận giám định có điểm giống nhau là đều
có giá trị chứng cứ trong tố tụng nếu hoạt động xác lập vi bằng và hoạt động
giám định tư pháp được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định. Tuy
nhiên, giữa chúng có điểm khác biệt. Kết luận giám định chỉ được sử dụng trong hoạt động tố tụng của
Tòa án bởi vì căn cứ để làm phát sinh hoạt động giám định là yêu cầu của cơ
quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Vi bằng ngoài vai trò là chứng
cứ trong hoạt động tố tụng thì còn là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp
pháp khác theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, vi bằng không chỉ được
xác lập phục vụ cho hoạt động tố tụng tại Tòa án (khi các bên phát sinh tranh
chấp) mà còn được xác lập nhằm tạo sự tin tưởng giữa các bên tham gia giao dịch,
thúc đẩy các giao dịch phát triển. Trong một giao dịch dân sự, nghĩa vụ của các
bên được phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt từ hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn
phương. Khi chưa nắm giữ được chứng cứ về hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn
phương làm phát sinh nghĩa vụ của mình thì họ chưa yên tâm thực hiện nghĩa vụ. Do
đó, một vi bằng được xác lập, chứa đựng chứng cứ mà họ cần sẽ giúp họ yên tâm
thực hiện nghĩa vụ của mình.
Ví dụ, công ty bất động sản A thuê công ty B thi công khu
vực khuôn viên một chung cư cao cấp mà công ty A là chủ đầu tư. Các bên thỏa
thuận rằng, khi nào công ty B hoàn thành công việc thì sẽ được nhận 30% số tiền
còn lại của hợp đồng. Sau khi công ty B hoàn tất công việc, các bên có thể lập
biên bản nghiệm thu để làm cơ sở thanh toán hoặc công ty B có thể yêu cầu Thừa
phát lại lập vi bằng ghi nhận hiện trạng khuôn viên. Vi bằng là một trong những
tài liệu trong bộ hồ sơ mà công ty B gửi công ty A để yêu cầu thanh toán. Trường
hợp công ty A không thanh toán dẫn đến việc Bên B khởi kiện thì vi bằng là căn
cứ để Tòa án xem xét giải quyết vụ án. Đây là ví dụ về việc vi bằng vừa là chứng
cứ trong tố tụng vừa là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo
quy định của pháp luật.
Về
chi phí thực hiện
Chi phí hoạt động lập vi bằng do người yêu cầu lập vi bằng chi trả, mức phí cụ thể
theo thỏa thuận giữa người yêu cầu lập vi bằng và văn phòng Thừa phát lại. Hoạt
động lập vi bằng xuất phát từ sự thỏa thuận giữa đương sự và Văn phòng Thừa
phát lại. Đây là quan hệ hợp đồng nên chủ thể nào giao kết hợp đồng với Văn
phòng Thừa phát lại thì phải có nghĩa vụ thanh toán phí lập vi bằng. Về vấn đề
phí, do đối tượng lập vi bằng là rất đa dạng và vi bằng không phải là một tài
liệu bắt buộc trong bất kỳ thủ tục nào mà do đương sự có nhu cầu thì mới yêu cầu
Thừa phát lại xác lập nên pháp luật hiện hành hiện chưa quy định có biểu phí chung
mà do các bên tự thỏa thuận.
Chi phí giám định tư pháp hiện nay được quy định ở nhiều
văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nhưng nhìn chung là có biểu phí để các
tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện. Chủ thể chi trả chi phí giám định tư
pháp là đa dạng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể như: Người đưa ra chứng cứ
bị kết luận là giả mạo[5];
Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu
của người đó là không có căn cứ[6];
Người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định nếu kết quả giám định chứng
minh yêu cầu của người yêu cầu trưng cầu giám định là có căn cứ[7];
Người đã trưng cầu, yêu cầu giám định trong hình sự[8]…
Giám định tư pháp là một thủ tục được áp dụng thường xuyên trong hoạt động tố tụng
khi phát sinh đối tượng cần giám định. Kết luận giám định giúp người tham gia tố
tụng có căn cứ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, giúp cơ quan tố tụng có
cơ sở giải quyết đúng đắn vụ án. Do được áp dụng thường xuyên và mang tính bắt
buộc trong một số trường hợp nhất định nên hoạt động giám định được Nhà nước áp
dụng nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ, trong đó có việc ban hành các biểu
phí tương ứng với từng lĩnh vực giám định.
[1] Khoản 2 Điều 2 Luật giám định
tư pháp năm 2012.
[2] Khoản 3 Điều 2 Luật Giám định
tư pháp năm 2012.
[3] Khoản 4 Điều 2 Luật Giám định
tư pháp năm 2012.
[4] Khoản 1 Điều 2 Luật Giám định
tư pháp năm 2012.
[5] Khoản 3 Điều 103 Bộ luật Tố
tụng dân sự năm 2015.
[6] Khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố
tụng dân sự năm 2015.
[7] Khoản 2 Điều 161 Bộ luật Tố
tụng dân sự năm 2015.
[8] Khoản 1 Điều 136 Bộ luật Tố
tụng hình sự năm 2015.
Tác giả: Đức Hoài