4 lý do không nên mua nhà qua vi bằng?

  30/5/19
Blog Thừa phát lại - Chia sẻ trong bài báo "Cảnh báo: Mua nhà đất qua vi bằng là mất trắng", Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức đã có những chia sẻ như sau:
Đúng là có tình trạng TPL chưa giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng, làm một số đối tượng lợi dụng lừa gạt người dân nhầm tưởng giá trị của vi bằng. Vì vậy, việc giải thích giá trị của vi bằng là yêu cầu bắt buộc đối với TPL trước khi lập vi bằng.

vi bằng nhà đất
Hình minh họa
Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Việc lập vi bằng của TPL là để tạo lập chứng cứ mang lại lợi ích cho người dân, phòng ngừa tranh chấp, giảm tải hoạt động của tòa án khi giải quyết vụ án. Người dân cần hiểu đúng về giá trị của vi bằng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Có bốn lý do để người dân không nên mua, bán nhà, đất qua vi bằng. Một là vi bằng là văn bản có giá trị chứng cứ, không phải là hợp đồng, giao dịch. Do đó không thể mua bán nhà, đất bằng vi bằng mà phải mua bán qua công chứng. Khi thực hiện hợp đồng công chứng, các bên có thể yêu cầu TPL lập vi bằng để ghi nhận việc bàn giao tiền, tài sản, ghi nhận hiện trạng tài sản để làm chứng cứ chứ không có giá trị như hợp đồng công chứng mua bán nhà, đất.
Hai là không nên mua bán nhà, đất chưa đủ điều kiện giao dịch theo quy định của pháp luật, mua bán bằng giấy tay. Trường hợp này vi bằng của TPL chỉ có giá trị chứng cứ chứng minh các bên có thực hiện giao dịch, làm cơ sở để tòa án giải quyết, xem xét công nhận hợp đồng, giao dịch hoặc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Vi bằng không phải là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho người mua.
Ba là người mua cần yêu cầu TPL giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng, phải đảm bảo mình đã hiểu rõ trước khi giao tiền, tài sản để thực hiện hợp đồng, giao dịch. Hợp đồng công chứng có giá trị pháp lý khi đã được công chứng viên ký tên, đóng dấu phát hành, còn vi bằng chỉ ghi nhận lại sự kiện, hành vi diễn ra trước mặt TPL. Do vậy, nếu như các bên đã giao tiền, tài sản mà sau đó phát sinh tranh chấp, hoặc đổi ý… thì việc đòi lại tiền, tài sản đã giao sẽ rất phức tạp.
Bốn là nên hiểu đúng về vi bằng của TPL. Vi bằng của TPL là chứng cứ trong tố tụng, không phải là hình thức mua bán nhà, đất. Việc hiểu sai giá trị chứng cứ của vi bằng làm chệch hướng hoạt động quản lý về đất đai cũng như quản lý về TPL.
Thừa phát lại NGUYỄN TIẾN PHÁPTrưởng Văn phòng Thừa phát lại 
Thủ Đức, TP.HCM (Nguồn PLO)

logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết