Blog Thừa phát lại - Tống đạt là một trong 4 mảng công việc của Thừa phát lại được Nhà nước giao phó.
Đây là hoạt động mà Thừa phát lại hoặc Thư ký nghiệp vụ được Trưởng Văn phòng phân công nhận các văn bản của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự (Cục thi hành án dân sự, Chi cục thi hành án dân sự) để đi giao cho đương sự (thường thì Thư ký nghiệp vụ thực hiện). Nhiều người lầm tưởng tống đạt như là đưa thư nhưng không phải thế bởi hoạt động tống đạt được thực hiện theo thủ tục của pháp luật tố tụng, pháp luật thi hành án dân sự quy định.
Nói để dễ hiểu, người đưa thư thì pháp luật không quy định về trình độ. Đưa thư mà không gặp được người nhận thì nhét vào hòm thư, giao cho người thân nào đó ở địa chỉ nhận hoặc hoàn lại người gửi. Việc đưa thư có ý nghĩa pháp lý, hoàn tất tống đạt văn bản của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự khi người nhận thư thừa nhận đã nhận được văn bản Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự do bưu tá giao. Ngược lại, nếu người đó phủ nhận đã nhận thư hoặc thậm chí thừa nhận là họ đã nhận thư nhưng khiếu nại rằng đó là một thư có nội dung khác (thư trống, tờ giấy trắng, văn bản khác...) thì không có ý nghĩa pháp lý.
Đối với hoạt động tống đạt của Văn phòng Thừa phát lại, hoạt động này phải do Thừa phát lại hoặc thư ký nghiệp vụ thực hiện (thư ký phải có trình độ từ trung cấp Luật trở lên). Đến tống đạt mà gặp đúng người thì phải lập biên bản tống đạt, đối chiếu giấy tờ tùy thân và ký nhận, ghi rõ họ và tên đàng hoàng. Nếu mà không gặp người cần tống đạt thì tùy từng trường hợp mà có thể niêm yết văn bản tại nhà, tại Ủy ban phường và có sự chứng kiến của chính quyền địa phương hoặc hoàn lại cơ quan Tòa án, Thi hành án. Nếu tống đạt mà sai thủ tục thì cả Bản án, Quyết định của Tòa án sẽ bị hủy. Đây là vấn đề pháp lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến cả tiến trình tố tụng, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia tố tụng. Văn phòng Thừa phát lại mà tống đạt sai gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Thư ký Thừa phát lại đang niêm yết văn bản ở Ủy ban nhân dân phường |
Tác giả: Đức Hoài