Ngừng thành lập mới Thừa phát lại ở Khánh Hòa

  8/8/18

Blog Thừa phát lại- Tin về Thừa phát lại ngày 8/8/2018, Báo Người lao động có bài viết với tiêu đề "Ngừng lập Thừa phát lại ở Khánh Hòa". Blog Thừa phát lại xin đăng lại như sau:

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Tư pháp rà soát lại hoạt động của thừa phát lại, đồng thời không thành lập thêm văn phòng

Ngày 7-8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với các sở - ngành về việc thành lập và quản lý thừa phát lại (TPL). Các hoạt động của TPL trước tình hình mua bán đất đai diễn ra sôi động như hiện nay mà Báo Người Lao Động đã phản ánh, có dấu hiệu phức tạp, vi phạm pháp luật.
Dấu hiệu vi phạm
Hiện tỉnh Khánh Hòa có 2 văn phòng TPL được thành lập tại TP Nha Trang và TP Cam Ranh. Đến ngày 10-6, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 78 vi bằng mà 2 văn phòng gửi đăng ký và đang giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập của văn phòng TPL tại thị xã Ninh Hòa.
Trang mạng xã hội của Văn phòng Thừa phát lại Nha Trang từng quảng cáo về lập vi bằng cho người nước ngoài
Trước tình hình nhiều trường hợp nhờ người Việt đứng tên cho người nước ngoài mua bán bất động sản mà Báo Người Lao Động phản ánh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cử một tổ liên ngành kiểm tra, nắm tình hình. Ngoài 5 vị trí khu đất có yếu tố nước ngoài, tổ liên ngành cũng cho thấy các văn phòng TPL lập vi bằng có liên quan đến việc mua bán tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã được vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp là 14 trường hợp.
Trong số này, có 1 vi bằng ghi nhận việc giao dịch, mua bán với diện tích khoảng 87 ha đất nông nghiệp tại huyện Vạn Ninh và 1 vi bằng có hiện tượng mua bán đất trái phép. Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay: "Các trường hợp này đang nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Công an đang làm, Sở Tư pháp không có khả năng điều tra. Các cơ quan chức năng đang gia hạn vì xác minh rất phức tạp".
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc lập vi bằng cho việc mua bán đất đai liệu có vi phạm pháp luật, "lấn sân" sang công chứng, ông Trần Quang Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa, khẳng định vi bằng về nguyên tắc chỉ là văn bản ghi nhận hành vi, sự kiện chứ không thay thế cho các văn bản pháp luật khác để thực hiện thủ tục mua bán đất đai. "Nói là lập vi bằng mua bán đất là không đúng. Người dân chưa hiểu mà luật vẫn còn thiếu" - ông Bình nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa - cho rằng nếu lập vi bằng mà không tuân thủ quy định pháp luật, lập vi bằng cho các trường hợp cấm thì bằng chứng này không có hiệu lực khi xảy ra tranh chấp. Khi ra tòa, vi bằng không được công nhận và thiệt hại từ hậu quả của việc lập vi bằng thì các bên tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, sẽ có trường hợp người yêu cầu lập vi bằng sẽ kiện văn phòng TPL yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Chờ nghị định mới
Để quản lý TPL, ông Nguyễn Đắc Tài yêu cầu qua theo dõi hoạt động, nếu các văn phòng TPL không tuân thủ đúng quy định pháp luật thì phải chấn chỉnh. Trong quá trình chấn chỉnh mà các văn phòng TPL vẫn tiếp tục vi phạm thì phải xử lý.
"Hoạt động của TPL đang chờ nghị định mới của Chính phủ, do đó ở Khánh Hòa tạm thời chưa cấp phép mở văn phòng TPL mới. Hai văn phòng đã thành lập rồi thì cho Sở Tư pháp giao nhiệm vụ trực tiếp cho phòng, cán bộ theo dõi chặt chẽ. Nếu thấy có vấn đề không ổn thì báo cáo tham mưu, không để tình trạng như báo chí nêu" - ông Tài yêu cầu.
Theo ông Tài, việc TPL lập vi bằng, bằng chứng cho việc mua bán đất đai, nhà cửa có liên quan đến yếu tố nước ngoài là vấn đề mà cơ quan chức năng phải nghiên cứu, có cách quản lý mới. Hiện chế tài xử lý về các vi phạm của TPL chưa có. Các cấp đang kiến nghị Bộ Tư pháp. Trước mắt, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp nghiên cứu các văn bản về việc cấm TPL lập vi bằng liên quan đến bất động sản của Sở Tư pháp TP HCM hoặc đọc các bài tham khảo để tham mưu UBND tỉnh xử lý việc TPL lập vi bằng mua bán bất động sản.
Về việc các vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp thì việc thẩm định của sở như thế nào nếu các vi bằng này trái pháp luật, ông Trần Quang Bình cho rằng sở vẫn đang làm, chưa thể khẳng định được có trái pháp luật. "Về nguyên tắc TPL lập phải chịu trách nhiệm về vi bằng của họ. Nếu thấy vi phạm về thẩm quyền thì có quyền từ chối. Người lập vi bằng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Họ là TPL thực hiện việc được nhà nước giao thì họ phải thực hiện".
Theo ông Bình, Nghị định quy định về chế tài xử phạt đối với lĩnh vực TPL vẫn chưa có. Trong Nghị định 61 về thí điểm TPL ở TP HCM cũng có một số quy định về xử lý những trường hợp vi phạm nhưng không đầy đủ.
Đề nghị có chế tài xử lý TPL
Trước kiến nghị hoàn thiện quy định về chế tài xử phạt đối với lĩnh vực TPL của UBND tỉnh Khánh Hòa, trong văn bản trả lời, Bộ Tư pháp cho biết đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; trong đó có các quy định về xử phạt trong lĩnh vực TPL. Cục Bổ trợ tư pháp và Thanh tra bộ đang tổng hợp, rà soát các nội dung của dự thảo nghị định để gửi lấy ý kiến các cá nhân, cơ quan, tổ chức.
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết