Tống đạt qua Thừa phát lại nghĩa là gì?

  25/7/18
Blog Thừa phát lại - Hoạt động cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Thừa phát lại được điều chỉnh chủ yếu bằng các văn bản sau  Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; Văn bản hợp nhất 7821/VBHN-BTP năm 2013 hợp nhất Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tư pháp ban hành.
tống đạt là gì, thừa phát lại tống đạt, tống đạt có bị gì không
Thư ký Thừa phát lại đang tống đạt văn bản của Tòa án cho đương sự (Ảnh Đức Hoài)
Theo đó, Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật. Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, bao gồm: giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác.
Chi phí tống đạt do Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với văn phòng Thừa phát lại. Cụ thể, đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật đương sự phải chịu chi phí thì Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự thu và chuyển số tiền đó cho văn phòng Thừa phát lại. Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước chịu thì Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự chuyển cho văn phòng Thừa phát lại. Trưởng văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do chính Thừa phát lại thực hiện. Thủ tục thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Đương sự và những người liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thừa phát lại, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện các công việc của Thừa phát lại. Việc giải quyết khiếu nại trong việc tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính. Các tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng liên quan đến việc thực hiện công việc của Thừa phát do cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tác giả: Đức Hoài
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết