Thứ nhất, nhận thức của các cơ quan và người dân về Thừa phát lại chưa
cao. Về nhận thức, mặc dù đã có sự tuyên truyền, tuy
nhiên đại đa số người dân vẫn chưa biết về thừa phát lại. Do đó, dẫn đến tình
trạng khi thừa phát lại tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự nhưng
đương sự không đồng ý nhận vì cho rằng Văn bản của Tòa án phải do Tòa án hoặc
cơ quan nhà nước tống đạt. Bên cạnh
đó, một số cơ quan nhà nước ở địa phương vẫn còn nhận thức “xin cho” gây nhiều
khó khăn trong hoạt động của thừa phát lại. Do họ cho rằng Thừa phát lại là tổ
chức tư nhân, do đó nhiều lúc không đồng ý xác nhận Văn bản tống đạt của Thừa
phát lại.[1]
Thứ hai, đó là vấn đề chi phí tống đạt và nhân lực của Văn phòng thừa
phát lại không được hợp lý. Theo quy định tại Thông
tư liên tịch 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC hướng dẫn thực hiện thí điểm
chế định thừa phát lại theo Nghị quyết 36/2012/QH13 do Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp -
Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao - Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao -
Bộ Trưởng Bộ Tài Chính ban hành thì trường
hợp tống đạt các văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự và mức chi phí
được tính như sau: trong phạm vi cấp huyện
nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại không
quá 65.000 đồng/việc, ngoài phạm vi cấp huyện nơi đặt Văn phòng nhưng trong địa
bàn cấp tỉnh không quá 130.000 đồng/việc.
Thư ký tống đạt chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ (Thừa phát lại Thủ Đức)
Việc quy định như trên tạo điều kiện cho việc quản lý chi phí được dễ
dàng và rõ ràng. Tuy nhiên, vô tình gây nên sự bất cập khi mà
theo địa giới hành chính thì có huyện diện tích rất rộng, còn quận nội thành
thì rất nhỏ. Ví dụ: từ Văn phòng thừa phát lại huyện Bình Chánh đến xã Vĩnh Lộc
B hoặc xã Đa Phước mất đến 1 giờ chạy xe mới gần 30km. Còn diện tích Quận 1 chỉ
7,7km2. Do đó, có thể thấy cùng mức chi phí 65.000 đồng/việc trong địa
bàn huyện nhưng Văn phòng thừa phát lại huyện Bình Chánh phải bỏ ra nhiều chi
phí đi lại đáng kể so với Văn phòng thừa phát lại Quận 1. Bên cạnh đó, khi quy
định chung mức phí không quá 130.000 đồng/việc ngoài phạm vi cấp huyện nơi đặt
Văn phòng nhưng trong địa bàn cấp tỉnh là bất hợp lý. Nguyên nhân do khoảng
cách giữa các Quận, huyện là rất chênh lệch. Ví dụ Tuy cùng là địa bàn ráp gianh nhau, nhưng từ
huyện Hóc Môn đến huyện Củ Chi khoảng cách đến 30km, còn từ Quận 1 đến Quận 4
chỉ 3km. Do đó, bất cập trong quy định về kinh phí dẫn đến việc các Văn phòng
thừa phát lại tại các Quận trung tâm thu hút được nhân lực, còn các huyện ngoại
thành luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. Điều đó gây áp lực lớn lên các thư
ký của các Văn phòng thừa phát lại ở huyện và làm ảnh hưởng đến chất lượng tống
đạt văn bản tố tụng.
Thứ ba, đó là trường hợp biên bản niêm yết của Thừa phát lại không đủ 15
ngày. Trên thực tế, có nhiều trường hợp biên bản niêm yết của Thừa phát lại
không đủ 15 ngày dẫn đến việc phải thực hiện lại cái thủ tục tố tụng, đương sự
khiếu nại Tòa án hoặc thậm chí hủy án do vi phạm thủ tục tố tụng nếu biên bản
không được kiểm tra kỹ lưỡng. Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc thì Tòa án chỉ có
thế hướng dẫn cho đương sự khiếu nại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của
Bộ luật tố tụng Dân sự mà không có bất kỳ chế tài nào khác. Bên cạnh đó là quy
định “một Cơ quan thi hành án dân sự hoặc một Tòa án
chỉ được ký hợp đồng tống đạt với một Văn phòng Thừa phát lại” theo khoản 7 Điều
2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động
của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Điều này vô
tình làm mất tính cạnh tranh và tạo sự độc quyền cho Văn phòng thừa phát lại.
Trường hợp Thừa phát lại hoạt động không hiệu quả, thì Tòa án có được cắt hợp đồng
và nhờ Văn phòng Thừa phát lại khác hay không.
[1]
Báo cáo chuyên đề Một số vấn đề về tổ chức
thi hành nghị quyết của quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại – Bộ Tư
pháp (Tài liệu phục vụ Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp
năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016-2020).