Đất không giao, tiền không trả
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tuấn
Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, cho biết: “Khi nhận được đơn của 15 hộ
dân yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến ông TVR và bà PTĐ,
chúng tôi tìm hiểu ngay và mời các bên liên quan đến giải quyết. Qua lời khai của
các bên và kết quả xác minh, thu thập chứng cứ liên quan, UBND xã thấy tính chất
vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên chuyển công an
huyện đề nghị xử lý”.
Theo hồ sơ, ông R. được UBND huyện
Hóc Môn cấp giấy đỏ năm 1992 với diện tích hơn 6.000 m2, mục đích sử dụng là đất
mùa. Năm 2010, ông R. bán đất cho bà Đ. và nhận cọc 300 triệu đồng… Sau đó, ông
R. và bà Đ. tự vẽ sơ đồ phân lô thể hiện trong khu đất có một con đường tự mở
chia đất làm hai thửa với 46 nền (diện tích một nền từ 48 m2 đến 60 m2).
Trong các năm 2011, 2012, đã có
15 hộ dân ký giấy tay đặt cọc mua nền đất của ông R. và bà Đ. với tổng số tiền
đặt cọc hơn 2 tỉ đồng. Điều đáng nói, sau đó ông R. lại chuyển nhượng (có công
chứng) toàn bộ khu đất ông đã nhận đặt cọc của các hộ dân cho người khác. Chủ sử
dụng đất mới này đã được UBND huyện Hóc Môn cấp giấy đỏ mới. Cuối năm 2016, khu
đất này một lần nữa được chuyển nhượng cho chủ khác và người mua sau cũng đã được
UBND huyện cập nhật biến động tên trên giấy đỏ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, sau khi
15 hộ dân trên nộp đơn tranh chấp với ông R. và bà Đ., UBND xã Xuân Thới Thượng
đã tổ chức hòa giải hai lần nhưng không thành. Các hộ dân yêu cầu ông R. trả lại
tiền nhưng ông R. không chịu trả. Từ đó các hộ dân đề nghị UBND xã chuyển hồ sơ
qua cơ quan công an điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối với bà Đ., dù mới ký hợp đồng
đặt cọc với ông R. chứ chưa được chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng vẫn chủ
động phân lô đất nông nghiệp bán giấy tay cho các hộ dân là trái pháp luật…
UBND xã nhiều lần mời làm việc nhưng bà Đ. không đến, không hợp tác, cố tình trốn
tránh trách nhiệm nên UBND xã cũng đề nghị công an huyện điều tra, xử lý về
hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
UBND xã Xuân Thới Thượng
(huyện Hóc Môn, TP.HCM) cắm bảng cảnh báo tại một khu đất nông nghiệp ở xã này. Ảnh: KP
Cảnh báo mua bán đất nền qua “công chứng vi bằng”
Nếu như ở xã Xuân Thới Thượng có
hiện tượng chủ đất tự phân lô đất nông nghiệp bán cho nhiều người như trên thì ở
xã Đông Thạnh, Hóc Môn lại có tình trạng cò đất giả làm người mua đất nông nghiệp
diện tích lớn, mượn giấy tờ đất của các hộ gia đình, cá nhân, sau đó tự phân lô
vẽ trên giấy rồi rao bán đất nền. Họ rao bán qua tờ rơi quảng cáo, qua các
trang muaban.net, batdongsan.com.vn…, qua Facebook, Zalo… với giá 12-20 triệu đồng/m2
hoặc hứa hẹn nếu khách hàng đặt cọc 50 triệu đến 400 triệu đồng thì trong 6-12
tháng sẽ có giấy chứng nhận để xây nhà ở.
Để dụ dỗ khách hàng, các cò đất
còn hứa hẹn mua đất có “công chứng vi bằng” nên được bảo đảm; đưa ra bản sao
biên nhận đã nộp hồ sơ để chứng minh nhưng qua kiểm tra các bản sao này thì
không có trên hệ thống lưu trữ hồ sơ hành chính của huyện.
Tình trạng bát nháo đến độ có những
trường hợp rao bán đất nền tại đây nhưng vị trí thực tế của các thửa đất lại
thuộc… các huyện, tỉnh lân cận.
Theo ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch
UBND xã Đông Thạnh, khi UBND xã kiểm tra thực địa các khu đất mà cò đất rao bán
đất nền thì đều là đất nông nghiệp, không phải đất ở và thuộc quy hoạch đất
nông nghiệp chứ không có dự án đất ở nào cả. UBND xã đã báo cáo ngay với cấp
trên và ra thông báo, làm biển báo… đặt tại các khu đất nhằm cảnh báo cho người
dân.
Hiện nay Công an xã Đông Thạnh
cũng đang thu thập hồ sơ để đề nghị công an huyện xử lý những người phân nền đất
nông nghiệp và người làm môi giới bán đất nông nghiệp qua vi bằng thừa phát lại
trái quy định của pháp luật.
Mua đất hợp pháp, nên đến ủy ban
UBND huyện Hóc Môn đã chỉ đạo
Công an huyện, UBND các xã, thị trấn kiểm tra chặt địa bàn nhằm phát hiện, xử
lý, ngăn ngừa, cảnh báo người dân về cơn sốt ảo đất nền đang diễn ra tại huyện
này.
Theo thông báo khuyến cáo của
UBND huyện, các khu đất đang có dấu hiệu phân nền tập trung tại năm xã:
1. Xã Xuân Thới Thượng chú ý khu
đất thuộc tổ 13, 15, 16 và 17 phía sau Công ty Việt Mỹ, ấp 1. Tổ 18, ấp 4. Tổ
4, ấp 5. Tổ 9, ấp 7.
2. Xã Nhị Bình chú ý khu đất tiếp
giáp đường NB10 thuộc tổ 11, ấp 4. Khu đất tiếp giáp đê bao Rỗng Gòn thuộc tổ
6, ấp 2. Khu đất tiếp giáp đường Bùi Công Trừng (cạnh Công ty CPĐTXD May Thêu
Tân Tiến) thuộc tổ 5, 11, ấp 1.
3. Xã Đông Thạnh chú ý khu đất
thuộc tổ 18, 9, ấp 1. Tổ 3, ấp 2. Tổ 16, ấp 3. Tổ 25, ấp 4. Khu đất thuộc tổ 12
và tổ 17, ấp 5.
4. Xã Tân Thới Nhì lưu ý khu dân
cư Bảo Khánh, quốc lộ 22 (kiểm tra thực tế khu đất này không thuộc địa bàn huyện
Hóc Môn).
5. Xã Tân Xuân: Khu đất cạnh dự
án xây dựng Trường Tiểu học ấp Đình, ấp Chánh 1.
Theo UBND huyện, các “dự án nhà ở”
vẽ ra trên các khu đất này chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất hay làm bất
cứ thủ tục nào liên quan. Từ đó ủy ban khuyến cáo người dân mua nhà đất cần tìm
hiểu kỹ thông tin quy hoạch, vị trí nhà đất và tính pháp lý của nhà đất dự kiến
giao dịch. Người dân nên liên hệ các cơ quan chức năng (Phòng Quản lý đô thị
huyện, Phòng TN&MT huyện, UBND xã, thị trấn nơi có nhà đất…) để tìm hiểu
trước khi giao dịch.
Nguồn: PLO (Tiêu đề do người đăng đặt lại)
Nguồn: PLO (Tiêu đề do người đăng đặt lại)