Thừa phát lại được kiến nghị xử lý hình sự

  28/9/17
Blog Thừa phát lại - Theo Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (TPL) đang được Bộ Tư pháp xây dựng thì TPL được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với một số các bản án, quyết định. Cụ thể: Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của TAND cấp huyện nơi Văn phòng TPL đặt trụ sở; Bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện nơi Văn phòng TPL đặt trụ sở; Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện nơi Văn phòng TPL đặt trụ sở. 

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ TPL không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án. Khi tổ chức thi hành các bản án, quyết định được quyền tổ chức thi hành, TPL có thể tiến hành các hoạt động thi hành án ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng TPL đặt trụ sở nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ở địa bàn cấp huyện đó.

Khi tổ chức thi hành án, TPL có nhiệm vụ kịp thời tổ chức thi hành bản án, quyết định được phân công; ra quyết định về thi hành án theo thẩm quyền; Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định và hợp đồng dịch vụ đã ký với người yêu cầu thi hành án; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Khi tổ chức thi hành án, TPL được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý tài sản và những việc khác có liên quan đến thi hành án. Đồng thời, có quyền đề nghị cơ quan Công an tạm giữ người có hành vi chống đối việc thi hành án; Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật thi hành án dân sự; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm. 

Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp-Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức đang lập vi bằng ghi nhận hành vi cản trở xe ra vào công ty
Trong tổ chức thi hành án, TPL không được áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 71, Điều 72 của Luật thi hành án dân sự. Đồng thời, không được làm các việc sau: Sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 9 Điều 20 của Luật thi hành án dân sự; Xử phạt vi phạm hành chính; Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định tại Điều 74 của Luật thi hành án dân sự; Yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật thi hành án dân sự.... 

Cũng theo Dự thảo này, trong cùng một bản án, quyết định có nhiều người được thi hành án mà trong đó có người yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành, có người yêu cầu Văn phòng TPL tổ chức thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng TPL phải phối hợp với nhau trong thi hành án. Thỏa thuận về việc yêu cầu tổ chức thi hành án giữa người yêu cầu thi hành án và Văn phòng TPL được thể hiện dưới hình thức hợp đồng dịch vụ. Trong hợp đồng phải nêu rõ thời gian, các khoản yêu cầu thi hành theo bản án, quyết định, chi phí, phương thức thanh toán và các thỏa thuận khác nếu có.
Đức Hoài
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết