Để khách quan, vi bằng chỉ cần Thừa phát lại ký tên

  11/1/17
Blog Thừa phát lại - Hôm nay, những người làm trong nghề như chúng tôi sẽ chia sẻ với độc giả về chủ đề khá thú vị đó là việc có nên quy định rằng, trong vi bằng chỉ có duy nhất Thừa phát lại ký tên.

thua phat lai la ai
Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức đang lập vi bằng hiện trạng

Hoạt động lập vi bằng là 1 hoạt động đặc thù riêng biệt của Thừa phát lại mà hiện chưa có cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào khác cùng chia sẻ thực hiện. Nếu tách biệt chức năng này ra khỏi 3 chức năng còn lại của Thừa phát lại thì Thừa phát lại là 1 người làm chứng chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản về nghiệp vụ làm chứng và phải được Nhà nước bổ nhiệm hẳn hoi mới hành nghề làm chứng.

Không phải ngẫu nhiên mà Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/07/2009 quy định tính trung thực, khách quan của Thừa phát lại trong quá trình lập vi bằng. Đây là đức tính tiên quyết mà một Thừa phát lại cần phải có. Trung thực để thuật lại đúng sự thật sự việc mà mình làm chứng, không thêm, bớt. Khách quan là để thuật lại chính xác sự việc mà mình làm chứng không bị ý thức, tình cảm chi phối.

Nghị định 61/2009/NĐ-CP cũng đồng thời quy định rằng trong vi bằng có nội dung "Chữ ký của Thừa phát lại lập vi bằng và đóng dấu văn phòng Thừa phát lại, chữ ký của những người tham gia, chứng kiến (nếu có) và có thể có chữ ký của những người có hành vi bị lập vi bằng" (điểm g khoản 1 Điều 27).

Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC  ngày 28/2/2014 quy định biểu mẫu vi bằng, trong đó có mục "Người chứng kiến (nếu có)" và "Người yêu cầu lập vi bằng (nếu có)", đồng thời cuối mẫu vi bằng có dòng chữ "đã đọc lại cho mọi người nghe và nhất trí ký tên".

Dù các cơ quan ban hành 2 văn bản nêu trên đều khéo léo đưa 2 chữ "nếu có" vào trong các quy định nhưng rõ ràng ở đây chúng ta thấy sự bất cập.

Thứ nhất, vi bằng nào mà chẳng phải có "Người yêu cầu lập vi bằng". Đây là người ký hợp đồng dịch vụ với Thừa phát lại, trên cơ sở đó Thừa phát lại mới thực hiện công việc của mình. Không có người yêu cầu, Thừa phát lại không thể tự mình xác lập vi bằng. Vậy, chiếu theo quy định nêu trên, vi bằng nào cũng có người yêu cầu ký tên.

Xét dưới góc độ thực tiễn, chúng tôi không thể lập 1 vi bằng mà không có người yêu cầu lập vi bằng và 1 vi bằng sẽ không hoàn tất mà thiếu chữ ký của người này. Đối với những vi bằng phức tạp, kéo dài, sau khi chứng kiến tại hiện trường xong, Thừa phát lại phải mất một quãng thời gian soạn thảo sau đó mới in ấn chuyển cho các bên ký tên vào vi bằng. Tuy nhiên, những người này lại bận việc, không thu xếp sớm ký tên vào vi bằng thì rất dễ trễ hạn đăng ký, chưa kể đến những trường hợp đề nghị ký tên vào vi bằng mà các bên có sự mâu thuẫn gay gắt về quyền lợi và thể hiện rõ qua hành vi chống đối nhau.

Ngoài ra, chúng tôi đã gặp một số trường hợp nhân viên văn thư của tổ chức là người yêu cầu lập vi bằng nằng nặc đòi "giáp lai" lên vi bằng của Thừa phát lại không thì không chịu đóng dấu lên chữ ký của "Sếp".

Thứ hai, sự kiện, hành vi đang cần lập vi bằng đã có Thừa phát lại chứng kiến rồi, tại sao lại đưa vào 1 người chứng kiến khác? Nhắc lại cho rõ, Thừa phát lại là người được Nhà nước đào tạo, bổ nhiệm để thực hiện các chức năng lập vi bằng. Vi bằng là lời làm chứng của Thừa phát lại và có giá trị chứng cứ, buộc các chủ thể khi xem xét vi bằng "phải tin" lời làm chứng đó. Vậy thì cần thiết hay không khi bỏ ngỏ thêm 1 người làm chứng "bình thường" khác trong vi bằng?

Và sẽ thật khập khiễng khi cuối mỗi vi bằng có dòng chữ "đã đọc lại cho mọi người nghe và nhất trí ký tên". Như vậy, không chỉ mình Thừa phát lại đồng ý ký tên vào vi bằng là đủ, mà cần phải có những thành phần khác đồng ý, ký tên vào vi bằng !? 

Thứ ba, dù vi bằng được lập ra đều có đầy đủ các bên tham gia nhất trí ký tên nhưng khi xảy ra trường hợp vi bằng được lập trái quy định pháp luật thì chỉ mình Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm.

Trên cơ sở những lý luận và thực tiễn nêu trên, chúng tôi cho rằng pháp luật nên quy định cứng về việc trên vi bằng chỉ có Thừa phát lại ký tên vào, hạn hữu thì có thêm chữ ký của Thư ký nghiệp vụ hỗ trợ Thừa phát lại lập vi bằng. Điều này nhằm trả lại sự độc lập, khách quan vốn có của Thừa phát lại. Hãy để Thừa phát lại được tự chịu trách nhiệm bằng chính văn bản do mình lập, không cần sự can thiệp của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác.
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết