Thừa phát lại tống đạt lắm gian nan

  10/12/14

Blog Thừa phát lại - 08 giờ một ngày đầu tháng 11-2014, chúng tôi có dịp cùng anh Thái Văn Khâm, thư ký nghiệp vụ Văn phòng Thừa phát lại Bình Định, đi tống đạt quyết định của tòa án cho một đương sự ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Chỉ đủ tiền xăng xe
Dù quãng đường từ trụ sở văn phòng đặt tại trung tâm TP Quy Nhơn đến xã ngoại ô này chỉ khoảng 20 km nhưng vì trời mưa tầm tã, đường vào nhà đối tượng lại ngoằn ngoèo, sâu hun hút dưới chân núi nên phải hơn 1 giờ vừa đi vừa hỏi thăm, chúng tôi mới đến đúng địa chỉ. Đến nơi, nhà đóng cửa vắng tanh, chúng tôi đành đứng ngoài hiên đợi.
thua phat lai thu duc


Nhân viên Văn phòng Thừa phát lại Bình Định tư vấn cho khách hàng đề nghị xác minh điều kiện thi hành án Ảnh: Anh Tú
Quá trưa, mới có người về nhà. Sau khi giới thiệu công việc của mình và “thẩm tra lý lịch”, biết chủ nhà đúng là đương sự cần tống đạt, anh Khâm cẩn thận trao quyết định của tòa án rồi yêu cầu ký vào biên bản.
“Hôm nay như vậy vẫn còn may. Có hôm chờ cả buổi không tống đạt trực tiếp được văn bản cho đương sự nên phải ra UBND xã niêm yết. Làm xong các thủ tục niêm yết theo quy định thì mất trọn một ngày là thường, trong khi lệ phí tống đạt quyết định chỉ 65.000 đồng/văn bản, đủ tiền xăng xe” - anh Khâm thở dài và cho biết công việc tống đạt văn bản tuy vất vả nhưng còn “dễ thở” hơn so với xác minh điều kiện thi hành án.
Ông Trương Việt Kon Tum, Văn phòng Thừa phát lại Bình Định, bức xúc: “Theo quy định, trong vòng 3 ngày, các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm phản hồi đề nghị của thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án. Thế nhưng, có khi chúng tôi đi lại cả chục lần trong một tháng trời họ mới trả lời. Thậm chí, có trường hợp từ chối thẳng thừng vì cho rằng văn phòng thừa phát lại là cơ quan tư nhân, không đủ thẩm quyền đề nghị hỗ trợ, phối hợp”.
Trong buổi tọa đàm “Công tác thừa phát lại khu vực phía Nam” do Cục Công tác phía Nam của Bộ Tư pháp tổ chức tại TP HCM mới đây, ông Nguyễn Ngọc Tàu, Văn phòng Thừa phát lại tỉnh Vĩnh Long, kể có vụ án nọ được xét xử vào ngày 15 thì ngày 10 tòa án đã giao cho thừa phát lại đi tống đạt văn bản mà nơi tống đạt cách trung tâm gần 50 km. Nhân viên văn phòng thừa phát lại chạy xe máy tới, đi đò sang kênh, lội ruộng tìm được đương sự nhưng người này không nhận. Tiếp tục đi tìm trưởng ấp, ông ta coi giấy tờ xong rồi nói “đưa tiền, tôi mới ký”. Tìm đến chính quyền địa phương thì chủ tịch UBND xã không nhận, cán bộ tư pháp nhận nhưng cho biết 15 ngày sau mới trả lời. Nhân viên văn phòng thừa phát lại mang văn bản tống đạt về trả tòa, tòa không trả tiền. Vậy là cả ngày chạy tốn công, tốn xăng xe mà không được gì cả.
Cơ chế phối hợp chưa cụ thể
Các nhân viên Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng như các văn phòng thừa phát lại ở TP HCM đều cho biết nhiều trường hợp do việc thay đổi tổ dân phố, số nhà, số khu, nhất là trong các khu tập thể, khiến nhân viên thừa phát lại khó khăn trong việc tìm địa chỉ, không biết cụ thể đương sự ở đâu nên khó xác định được tổ trưởng, tổ phó dân phố mà đương sự cư trú là ai để xin xác nhận trong trường hợp tống đạt không thành.
Đối với đối tượng phải tống đạt là người đang chấp hành bản án tù giam thì còn gay go hơn khi thân nhân của họ không cung cấp thông tin rõ ràng hoặc có tâm lý che giấu thông tin, việc tống đạt gián tiếp thông qua người nhà (với cam kết giao tận tay cho đương sự) luôn gặp nhiều rủi ro và sai về mặt thủ tục.
Chưa kể, rất nhiều lần các nhân viên thừa phát lại gọi điện báo trước để xin gặp đương sự thì họ tìm cách khất lần cuộc hẹn, bỏ công tìm đến tận nơi thì đương sự không có mặt tại địa chỉ cư trú (đi làm, đi học) hoặc vắng nhà với vô vàn lý do nên phải tống đạt gián tiếp thông qua người thân hay thủ trưởng cơ quan, đơn vị của đương sự. Trường hợp này phải mời tổ trưởng dân phố làm chứng, xin chứng thực của UBND xã, phường hoặc cơ quan, đơn vị của đương sự. Đây là thủ tục mất nhiều thời gian do phải gặp gỡ, liên lạc với nhiều người.
Các nhân viên thừa phát lại ở quận Thủ Đức, TP HCM còn nhớ nhiều lần họ đi niêm yết văn bản tống đạt đã gặp khó khăn khi bản thân chính quyền, người dân tại khu vực đó không cho niêm yết, thậm chí còn khẳng định ở địa phương này không có ai như vậy. Trong khi việc tìm đương sự lắm trắc trở như vậy thì cơ chế phối hợp giữa thừa phát lại với chính quyền, công an, tổ trưởng dân phố lại chưa cụ thể, rõ ràng nên việc tống đạt càng trở nên khó khăn hơn.
Đức Hoài
Trích đăng: Báo Người lao động 
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết