(Thừa phát lại 24h)-Mặc dù hoạt động Thừa phát lại ở Quảng Ninh được triển khai chưa lâu, song với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự quyết tâm xây dựng thương hiệu của chính những người trong cuộc nên bước đầu Thừa phát lại đã được người dân đón nhận...
Quảng Ninh hiện nay có 4 văn phòng Thừa phát lại, trải dài từ Móng Cái đến Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí. Đây là các vùng kinh tế phát triển hết sức sôi động của Quảng Ninh, song một khó khăn không hề nhỏ đối với hoạt động Thừa phát lại chính là người dân còn khá xa lạ với mô hình này. Bản thân một số cán bộ trong nhiều cơ quan nhà nước có chức năng phối hợp cũng chưa hình dung rõ Thừa phát lại làm gì.
Nhận thức được vấn đề này, một kế hoạch truyền thông “hoành tráng” đã được thực hiện. Cùng với Sở Tư pháp, UBND các quận, thành phố trên toàn địa bàn đã vào cuộc. Hàng trăm buổi tuyên truyền cho cán bộ chủ chốt cấp sở, ngành, quận/huyện, xã/phường cho đến tận tổ dân phố, khu dân cư đã được tổ chức. Hàng vạn tờ gấp tuyên truyền cũng đã được cấp phát đến người dân ở tận cơ sở, nhất là các vùng hải đảo xa xôi.
Bốn văn phòng Thừa phát lại đã lập vi bằng cho 153 trường hợp, tống đạt gần 1.700 văn bản cho cơ quan tòa án, thi hành án dân sự, xác minh và trực tiếp tổ chức thi hành án cho 14 trường hợp. Đặc biệt, mục sở thị các văn phòng Thừa phát lại ở Quảng Ninh thì thấy, các văn phòng đều được đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất và con người. Phần lớn nhân sự của các văn phòng Thừa phát lại ở Quảng Ninh là các chấp hành viên, điều tra viên, luật sư... những người có nhiều năm công tác trong ngành pháp luật, có trình độ và dày dạn kinh nghiệm.
Để hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại, Quảng Ninh còn lập một tổ tư vấn đặc biệt gồm 5 người đều là những cán bộ có chức sắc ở địa phương đã nghỉ hưu, am hiểu về Thừa phát lại để tư vấn, kịp thời tháo gỡ cho Thừa phát lại khi có việc cần thiết.
Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ninh Dương Thái Sơn đánh giá: “Bước đầu hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại đã được người dân, doanh nghiệp đón nhận tích cực. Điều đó chứng minh Thừa phát lại là một chủ trương đúng đắn trong tiến trình cải cách tư pháp”. Những kết quả này, theo Giám đốc Dương Thái Sơn là nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và nỗ lực của chính những người làm công tác Thừa phát lại.
Mong “thí điểm thành thật”
Tuy nhiên, là một chế định mới nên ngoài vấn đề nhận thức người dân nhiều nơi chưa thông, cán bộ một số cơ quan chưa hợp tác thì vấn đề cơ chế chính sách cho hoạt động Thừa phát lại cũng là một khó khăn cho Quảng Ninh khi triển khai thí điểm. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Cẩm Phả Trần Ngọc Toàn cho biết, hiện nay công việc chính của văn phòng là tống đạt văn bản giấy tờ nhưng mức phí cho công việc này hiện quá thấp.
Thừa phát lại Uông Bí
“Chúng tôi đi ra tận huyện đảo Cô Tô, đảo Quan Lạn hay huyện miền núi Bình Liêu, nguyên tiền vé tàu xe đi về đã hết cả triệu bạc chưa kể các chi phí khác nhưng phí tống đạt thì chỉ có 130 ngàn đồng/trường hợp”. Ông Mạc Văn Quang, Tổ tư vấn cho biết thêm: “Trong tống đạt giấy tờ thì khái niệm cùng một địa chỉ rất mù mờ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Người thì cho rằng cùng địa chỉ là cùng một nhà, người khác nói cùng tổ, cùng khu phố, dẫn đến việc tính phí khác nhau”. Cũng theo ông Quang, việc thu phí theo kiểu cào bằng như hiện nay không hợp lý mà nên quy định thành nhiều mức.
Còn theo Giám đốc Sở Tư pháp Dương Thái Sơn thì hiện nay, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư vào Thừa phát lại là rất lớn nhưng pháp luật hiện hành lại chưa có quy định nào về trách nhiệm cũng như quyền lợi của họ dẫn đến tâm lý bất an cho nhà đầu tư. Do đó, pháp luật cần có quy định về vấn đề này. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng tha thiết mong “thí điểm thành thật để anh em yên tâm gắn bó với Thừa phát lại”. Đây cũng là chia sẻ của ông Đặng Quốc Lịch, chủ đầu tư 3 trong số 4 văn phòng Thừa phát lại ở Quảng Ninh.
Ông Lịch bày tỏ: “Chúng tôi mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này vì thấy rằng đây là công việc có thể hỗ trợ pháp lý rất tốt cho doanh nghiệp, cho người dân. Chúng tôi tin tưởng với chế định này sẽ tồn tại lâu dài mà không chỉ dừng lại ở việc thí điểm”
Để làm được điều đó, thiết nghĩ cần phải nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để khắc phục những bất cập trong hoạt động Thừa phát lại hiện nay.
Là mô hình còn rất mới, song tôi đánh giá cao hoạt động của Thừa phát lại tại TP.Uông Bí. Nó không những giúp cho công tác quản lý, lãnh đạo của thành phố mà còn giúp cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ pháp lý phục vụ cho công việc của mình. Cá nhân tôi cũng như Thành ủy TP.Uông Bí đều tâm niệm việc gì có lợi cho dân thì phải cố gắng làm, dù ban đầu mọi việc có thể rất khó khăn, vất vả. Ngoài việc chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên, hàng tháng trong cuộc họp giao ban, chúng tôi vẫn dành sự quan tâm cho Thừa phát lại xem họ khó ở đâu, cần tháo gỡ vấn đề gì để bàn cách giải quyết. Thành ủy cũng bố trí cho Thừa phát lại được làm việc tại Trung tâm hành chính công của thành phố để tiếp nhận cũng như hướng dẫn, tư vấn cho người dân về Thừa phát lại.
Ông Nguyễn Thành Phố, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Uông Bí, Quảng Ninh:
Mong muốn xây dựng Văn phòng Thừa phát lại Uông Bí thành mô hình điểm của cả nước
Tôi mong muốn xây dựng Văn phòng Thừa phát lại Uông Bí thành mô hình điểm của cả nước, vì nói như vậy nhưng hiện nay mô hình của Văn phòng Thừa phát lại Uông Bí vẫn còn nhỏ, vẫn chưa được nhiều người biết đến như mong đợi. Do đó, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, con người thì bản thân sự nỗ lực của Thừa phát lại cũng là yếu tố quan trọng để người dân, doanh nghiệp tìm đến nhiều hơn với mô hình này.
Đức Hoài
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam