(Danh bạ Thừa phát lại)-“Việc tổ chức thi hành án trong điều kiện mới cần cơ chế và cách làm mới. Nhà nước không thể bao cấp hết mà phải xã hội hóa hoạt động này và Thừa phát lại là một cơ chế để cụ thể hóa việc xã hội hóa đó.”Đây là ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tất Thành Cang – Thành ủy viên, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Thi hành án dân sự: Thực trạng và giải pháp” do HĐND và Đài Truyền hình TP HCM phối hợp tổ chức vào sáng 02-11.
Chương trình trên được tổ chức với sự tham dự đông đảo của lãnh đến từ nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan đến công tác thi hành án dân sự trên địa bàn TP. HCM như: Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố, Viện kiếm sát nhân dân Thành phố, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dần Thành phố...
Hình ảnh hội nghị
Cũng tại hội nghị, qua tư liệu phóng sự, đại diện một số Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của Thừaphát lại trong công tác thi hành án dân sự. Đáng chú ý, ông Lê Mạnh Hùng-Trưởng văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh đưa ra quan điểm mà thực chất cũng là mong mỏi chung của những ai đang công tác trong nghề Thừa phát lại rằng cần phải tiến tới ban hành một đạo Luật về Thừa phát lại để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho Thừa phát lại thực hiện các chức năng của mình.
Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp, đại diện cho các Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại tham dự hội nghị nêu lên 2 nguyên nhân dẫn đến số lượng vụ việc thi hành án mà Thừa phát lại thụ lý còn quá thấp:
Thứ nhất, người dân còn chưa biết đến bên cạnh cơ quan thi hành án dân sự, Thừa phát lại cũng có quyền tổ chức thi hành án tương đương.
Thứ hai, chưa có cơ chế để Thừa phát lại tiếp cận với người dân có nhu cầu tổ chức thi hành án.
Từ những nguyên nhân trên, Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp kiến nghị với các đại biểu tham dự hội nghị một số giải pháp như sau:
- Một là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Thừa phát lại để người dân nhận thấy Thừa phát lại là một cơ quan có chức năng tổ chức thi hành án dân sự và cũng ngang quyền với hệ thống thi hành án dân sự nhà nước.
- Hai là, cần có cơ chế để Thừa phát lại tiếp cận người có nhu cầu tổ chức thi hành án như:
o Ghi rõ trong Bản án/Quyết định của Tòa án nội dung: Bản án này có thể được thi hành án tại Chi cục thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền;
o Quy định việc Thừa phát lại được quyền nhận Bản án/Quyết định từ Tòa án để tự tiếp xúc, giới thiệu chức năng thi hành án của mình đến cá nhân, tổ chức có nhu cầu tổ chức thi hành án;
o Chi cục thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở tạo điều kiện, bố trí chổ ngồi để Thừa phát lại cùng tiếp dân, để người dân được quyền tự do chọn lựa cơ quan tổ chức thi hành án cho mình;
o Về lâu dài, cần có cơ chế phân việc giữa Thừa phát lại và các Chi cục thi hành án, việc nào Chi cục thi hành án thực hiện, việc nào văn phòng Thừa phát lại thực hiện...
Hy vọng với những giải pháp được các đại biểu tham dự đưa ra, công tác thi hành án dân sự nói chung và hoạt động thi hành án dân sự của Thừa phát lại nói riêng sẽ có những chuyển biến mới!
Đức Hoài (Thư ký nghiệp vụ VP Thừa phát lại Q. Thủ Đức)