Lại một vụ giữ dấu công ty buộc Thừa phát lại vào cuộc

  3/10/14
Blog Thừa phát lại - Mấy ngày gần đây, một số trang tin điện tử đã đưa tin vụ việc ông Lê Anh Tuấn - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh tài sản Việt Nam (VNAssets) bị cổ đông “giam”. Ngay lập tức, phóng viên Năng lượng Mới đã có buổi làm việc với đại diện cổ đông của VNAssets để làm rõ vụ việc trên

Sự việc bắt đầu từ ngày 25/9/2014 tại phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường do Ban Kiểm soát VNAssets đứng ra triệu tập. Ông Lê Anh Tuấn - khi đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc VNAssets bị miễn nhiệm - quyết nghị này được đa số cổ đông thông qua.
Đại hội cũng ra nghị quyết để ông Lương Anh Cường - thành viên HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ông Cường cũng có nhiệm vụ tìm và giới thiệu người để HĐQT xem xét giữ chức giám đốc VNAssets.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của HĐQT sau đại hội bất thường, ông Cường đã giới thiệu ông Vũ Đức Hoàng làm giám đốc VNAssets. Phương án nhân sự này đã được toàn bộ HĐQT mới thông qua. Tất cả những điều trên đều đã được đại hội đồng cổ đông thông qua tuân thủ nghiêm ngặt các qui định của pháp luật!
Tuy quyết định của đại hội đồng cổ đông có hiệu lực ngay tại thời điểm thông qua, nhưng phải đợi đến 1 ngày sau - tức ngày 26/9/2014 tại trụ sở công ty tầng 2 khán đài B Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - VNAssets thuê từ tháng 7/2013, ban lãnh đạo mới của công ty mới triệu tập cuộc họp để thông báo với toàn cán bộ nhân viên các văn bản của đại hội đồng cổ đông và HĐQT về những quyết định như miễn nhiệm ông Lê Anh Tuấn, bổ sung thành viên HĐQT… Kèm theo đó là yêu cầu ông Tuấn bàn giao lại con dấu, tài liệu, trang thiết bị tài sản và công việc đang thực hiện.
Tuy nhiên, ông “cựu” giám đốc đã ngay lập tức từ chối việc bàn giao con dấu, tài liệu và trang thiết bị. Ông này còn yêu cầu cung cấp biên bản và đặt câu hỏi cho tính hợp pháp của đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 25/9. Ngay sau đó Lê Anh Tuấn mời tất cả mọi người - bao gồm cả HĐQT, ban kiểm soát hợp pháp của VNAssets… ra ngoài. Cuộc họp kết thúc lúc 11 giờ trưa ngày 26/9 khi ông Tuấn... bận việc và đi về. Mọi người nực cười vì ai cũng thấy ông Tuấn, ngay giữa ĐHĐCĐ bất thường ngày 25/9, còn phát biểu… ầm ầm và tranh luận đầy đủ với đại diện công ty cấp trên và các cổ đông.
Ông Lê Anh Tuấn trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 25/9.
Ngay buổi chiều cùng ngày, sau khi ông Lê Anh Tuấn không chịu bàn giao lại con dấu và tránh việc ông Lê Anh Tuấn dùng con dấu của công ty để làm những việc phi pháp, gây bất lợi cho tập thể công ty, cực chẳng đã Chủ tịch HĐQT VNAssets là ông Lương Anh Cường đã ra thông báo tạm ngưng hoạt động và niêm phong địa điểm làm việc tại tầng 2 - khán đài B, sân vận động Mỹ Đình của VNAssets. Đến đây thì một chuyện cứ như một vở hài kịch đã được ông Lê Anh Tuấn và cộng sự dựng lên.
Việc tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh của VNAssets bắt đầu lúc 17h, việc niêm phong được tiến hành lúc 17h15, tức là sau khi tất cả nhân viên rời khỏi địa điểm làm việc, mang toàn bộ tài sản và đồ dùng cá nhân ra ngoài, đồng thời giữ nguyên trạng con dấu, hồ sơ, tài liệu của công ty. HĐQT cũng quyết định thuê 2 bảo vệ của Công ty dịch vụ Bảo vệ Hà Nội nhằm bảo vệ tại trụ sở công ty, cũng như áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn cản sự vi phạm của các cá nhân, tổ chức xâm phạm đến con dấu, tài sản của VNAssets cho tới ngày 29/9, thời điểm ông Tuấn sẽ phải tiến hành bàn giao lại con dấu.
Những người có liên quan cùng bà Nguyễn Thị Quyên - văn phòng Thừa phát lại Hai Bà Trưng đã gõ cửa và kiểm tra từng phòng sau đó mới dán niêm phong. Riêng phòng của ông Lê Anh Tuấn - do chưa bàn giao chìa khóa nên tổ niêm phong tiến hành gõ cửa 3 lần, gọi bên trong rồi mới tiến hành niêm phong. Tất cả việc này được ghi hình, chụp ảnh trong Vi bằng được lập 19h05 ngày 26/9/2014, dưới sự chứng kiến của Thừa phát lại. Điều kỳ quặc nữa, đó là phòng làm việc của nguyên Chủ tịch Lê Anh Tuấn chẳng có bảng biển (??) gì cả.
Ngay cả Thừa phát lại - bà Nguyễn Thị Quyên cũng bất ngờ với kiểu làm ăn có phần bí hiểm của nguyên Chủ tịch VNAssets. Các bước trong thủ tục niêm phong được tiến hành cẩn trọng và trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ, nhân viên công ty. Tất cả đều được nghe Thừa phát lại dọc lại toàn bộ nội dung Vi bằng, cùng cam kết đã hiểu và nhất trí với các nội dung, đồng thời tự chịu trách nhiệm về sự việc trên.
Tuy nhiên, không ai ngờ ông Tuấn lại trốn trong phòng làm việc đợi tổ niêm phong đi khỏi thì mới… chui ra. Theo nhân viên bảo vệ Trần Ngọc Anh, người ở lại trông coi tài sản của VNAssets, sau khi cán bộ công ty về (khoảng 20h-20h30) ông Tuấn có mở cửa ra khỏi phòng một lúc. Sau khi bàn bạc với một số người đang chờ sẵn ở ngoài, xong ông Tuấn lại… chui vào. Đến khoảng 21h, Lê Anh Tuấn chính thức được “giải thoát” bởi vợ và mẹ cùng rất nhiều “bạn bè” trong một màn kịch vụng về. Ngay ngày hôm sau, trên một số trang mạng xuất hiện một loạt các “tít” giật gân như: giải cứu chủ tịch HĐQT bị cổ đông giam… rồi thì cảnh Lê Anh Tuấn ôm chầm lấy vợ và một người phụ nữ đứng tuổi đứng ngoài cửa.
Điều đáng chú ý, sau thời điểm ngày 25/9, khi ĐHĐCĐ quyết định thông qua việc miễn nhiệm thì cũng là lúc ông Lê Anh Tuấn không còn bất cứ quyền hành gì trong việc điều hành công ty. Có thể căn cứ vào Luật Doanh nghiệp hiện hành để khẳng định điều này: ĐHĐCĐ quyết định thì ngay lập tức có hiệu lực, còn nếu có kiện cáo, tranh chấp thì hiệu lực đó vẫn được thi hành cho tới khi tòa án có phán quyết khác. Vậy có thể khẳng định, Lê Anh Tuấn sau thời điểm ngày 25/9 không có tư cách pháp nhân gì để tiếp tục giữ lại con dấu, tài sản, trang thiết bị cùng tài liệu của VNAssets. Hiện nay, quyền admin website chính thức của công ty này vẫn bị “người” của ông Lê Anh Tuấn kiểm soát và đăng tải nhiều thông tin sai trái, gây tâm lý hoang mang trong cổ đông.
Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt bởi những “Chí Phèo” thời hiện đại này. Nhiều vụ chiếm giữ con dấu trái phép khi bị mất chức đã được báo chí đưa tin như ở Công ty CP Hữu Nghị (Hà Nội), Công ty CP Xây dựng giao thông I (Hà Nội), Công ty 142 (Đồng Nai)… thậm chí còn xảy ra tại một hiệp hội doanh nghiệp khi ông Phó chủ tịch cũng “ôm” dấu về nhà để “cất”.
Đã có những vụ con dấu của doanh nghiệp bị chiếm giữ, người có liên quan tố cáo tới công an, công an đề nghị Viện Kiểm sát khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Song, Viện Kiểm sát đã không chấp nhận vì Bộ luật Hình sự chỉ quy định hành vi "chiếm đoạt con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội" chứ không quy định hành vi "chiếm đoạt con dấu, tài liệu của doanh nghiệp". Sau đó, vụ việc được khởi kiện ra tòa án. Song, tòa án đã trả lại đơn với lý do "không thuộc thẩm quyền giải quyết".
Nguồn: petrotimes
Tiêu đề do người sưu tầm đặt lại

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác (Khoản 3, điều 2, Nghị định 135/2013/NĐ-CP). Theo cách hiểu thực tế thì Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết) mà Thừa phát lại mô tả, ghi nhận các hành vi, sự kiện mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập Vi bằng.

logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết