Blog Thừa phát lại - Ngày 28/10, UBND TP Hà Nội tổ chức công bố Quyết định thành lập 3 Văn phòng Thừa phát lại tại Hà Nội.
Theo đó, 3 Văn phòng Thừa phát lại, gồm: Văn phòng Thừa phát lại Thủ đô (trụ sở đặt tại số 17 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, ông Chu Xuân Hòa là người đại diện theo pháp luật); Văn phòng Thừa phát lại Đông Dương (trụ sở đặt tại số 75 phố Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, bà Ứng Thị Phương Anh là người đại diện theo pháp luật); Văn phòng Thừa phát lại quận Nam Từ Liêm (trụ sở đặt tại số 253 đường Hồ Tùng Mậu, phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, ông Trần Trọng Bình là người đại diện theo pháp luật).
Như vậy cùng với sự ra đời của 3 văn phòng Thừa phát lại mới, Hà Nội hiện có 8 Văn phòng Thừa phát lại.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chúc mừng
sự ra đời của 3 Văn phòng Thừa phát lại mới. (Ảnh: TH) |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà nội, qua 7 tháng triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn TP đã đạt được một số kết quả cụ thể. Các Văn phòng Thừa phát lại sau khi được UBND thành phố cho phép thành lập đã đi vào hoạt động, bước đầu thu được những kết quả nhất định. Các Văn phòng Thừa phát lại đã lập 621 vi bằng; tống đạt 905 văn bản của tòa án, 1.947 văn bản của cơ quan thi hành án; xác minh điều kiện thi hành án 37/47 vụ và tổ chức thi hành án 1/12 vụ. Tuy nhiên, công việc hiện nay của các Văn phòng Thừa phát lại chủ yếu mới chỉ là lập vi bằng, việc tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án còn ít.
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chúc mừng sự ra đời của 3 Văn phòng Thừa phát lại mới, đồng thời đề nghị các văn phòng Thừa phát lại chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, nâng cao ý thức, tinh thần, thái độ phục vụ và thông qua chất lượng giải quyết các vụ việc để xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin trong nhân dân.
Đức Hoài (Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức)
Nguồn: Báo Điện tử Đảng CSVN
Nguồn: Báo Điện tử Đảng CSVN