Nghề Thừa phát lại sẽ tiếp tục phát triển, tương lai cần ban hành luật

  12/6/14
(Thừa phát lại 24h)-Vừa qua để làm rõ hơn về một số quy định pháp luật về nghề Thừa phát lại ở Việt Nam và tương lai của nghề này, Báo Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp về vấn đề này. Chuyên trang Thừa phát lại 24h xin trích đăng nội dung chính của bài phỏng vấn như sau:
- Ông đánh giá thế nào về tương lai của nghề thừa phát lại?
- Về tương lai của nghề thừa phát lại, đây cũng là vấn đề mà nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người đang hành nghề thừa phát lại. Theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, việc thí điểm được thực hiện đến hết năm 2015; Chính phủ tổng kết và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp cuối năm 2015. Như vậy, về mặt pháp lý, việc có tiếp tục thực hiện chế định này nữa hay không sẽ do Quốc hội quyết định tại kỳ họp cuối năm 2015.
Thừa phát lại đang lập vi bằng
Tuy nhiên, từ kết quả thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã chứng tỏ rằng chế định này cần thiết trong đời sống pháp lý và là một nhu cầu tự nhiên của xã hội. Đây là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự, góp phần thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Cũng cần nói thêm, hiện nay trên thế giới mô hình này đã được thực hiện thành công tại rất nhiều quốc gia.
Từ các yếu tố như đã nêu, chúng ta có thể tin tưởng rằng trong tương lai, nghề thừa phát lại sẽ phát triển tại Việt Nam.
Thừa phát lại đang tổ chức thi hành án
- Có ý kiến cho rằng cần phải sớm có luật về Thừa phát lại, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động này phát triển một cách tích cực. Theo ông, điều này đã cần thiết chưa?
- Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại chỉ gồm Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn; trong đó Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chủ trương, nguyên tắc, còn tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ.
Vì vậy, quá trình thực hiện đã gặp không ít vướng mắc về áp dụng pháp luật, đặc biệt khi có xung đột với các quy định pháp luật có liên quan. Chúng tôi cho rằng, để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Thừa phát lại, cần thiết ban hành luật về Thừa phát lại. Về thời điểm ban hành, khi hết thời gian thí điểm, nếu Quốc hội quyết định cho tiếp tục thực hiện chế định này thì cần ban hành luật.
Để chuẩn bị cho vấn đề này, hiện nay Lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá tác động của chế định này cũng như các nội dung khác để phục vụ cho việc tổng kết, trong đó có việc chuẩn bị các điều kiện để xây dựng Luật về Thừa phát lại khi Quốc hội cho phép.
  • Đức Hoài (Thư ký nghiệp vụ Văn phòng Thừa phát lại Q.Thủ Đức)
    Nguồn: http://baophapluat.vn/
    ========================================
    Mọi sự quan tâm hay yêu cầu hỗ trợ về Thừa phát lại, xin vui lòng  liên hệ:
                            VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI QUẬN THỦ ĐỨC
    ĐỊA CHỈ: 41 Nguyễn Văn Bá, Phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
    HOTLINE: 01234 112 115   -   0906 311 132
    ĐIỆN THOẠI: (84 8) 228 198           FAX: (84 8) 37 228 126
    EMAIL: vanphongthuaphatlai@gmail.com
    ĐẶT CÂU HỎI TẠI MẠNG XÃ HỘI: https://www.facebook.com/vanphongthuaphatlai
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết