Văn phòng Thừa phát lại Bình Định khai trương

  16/3/14
(Hoailegal)-Ngày 15.3, Văn phòng Thừa phát lại Bình Định khai trương và đi vào hoạt động (tại địa chỉ 202 Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn). Đây là văn phòng thừa phát lại đầu tiên của tỉnh được thành lập theo Đề án “Triển khai thí điểm chế định thừa phát lại tại Bình Định giai đoạn 2013-2015”.
Nhân dịp này, PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Quang Phụng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Bình Định.
Đại diện Sở Tư pháp công bố quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại Bình Định của UBND tỉnh.
● Chế định thừa phát lại đã được thí điểm ở TP Hồ Chí Minh từ vài năm nay. Đối với khá nhiều người dân Bình Định, đây vẫn là một khái niệm còn mới lạ. Vậy thế nào là thừa phát lại, và thừa phát lại làm những công việc gì, thưa ông?
- Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh, nêu rõ: Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự (THADS), tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan.
Thừa phát lại được làm 4 nhiệm vụ sau: (1) Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án và cơ quan THADS; (2) Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, cơ quan; (3) Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; (4) Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Ở đây, cũng cần giải thích thêm rằng, tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của tòa án và cơ quan THADS do thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật. Còn vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
● Ông có thể nói cụ thể hơn về những công việc của xác lập vi bằng cũng như xác định điều kiện thi hành án của đương sự?
- Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vi bằng chứng thực sự kiện, hành vi xảy ra theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, như: Sự kiện giao nhận tiền, gửi thông báo đòi nhà, đòi nợ, xác lập hợp đồng, lập di chúc; hành vi vi phạm pháp luật của người khác, hành vi sử dụng nhà thuê không đúng mục đích. Vi bằng cũng ghi nhận hiện trạng các công trình liền kề, tình trạng nhà đất bị lấn chiếm, việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản trái pháp luật; ghi nhận tình trạng tài sản trước khi kết hôn, thừa kế; ghi nhận sự hiện diện hoặc vắng mặt tại địa điểm giao dịch hoặc một nơi nhất định khác theo yêu cầu của khách hàng; hoặc ghi nhận mức độ ô nhiễm môi trường; vi bằng dùng làm chứng cứ để yêu cầu cơ quan bảo hiểm bồi thường…
Đối với việc xác định điều kiện thi hành án của đương sự, nói cho dễ hiểu, là người được thi hành án khi thấy người phải thi hành án tuy có đủ điều kiện để thi hành án nhưng lại viện nhiều lý do để trì hoãn việc này, thì có thể nhờ thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Lúc này, thừa phát lại thực hiện các biện pháp thu thập những chứng cứ để biết rằng người có tài sản để thi hành án hay không, báo lại với khách hàng. Căn cứ vào đó, người được thi hành án buộc người phải thi hành án phải thực hiện thi hành án.   
● Người dân quan tâm đến việc phí sẽ được tính như thế nào và mục tiêu hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại Bình Định, thưa ông?
- Nói thật, đây cũng là vấn đề mà chúng tôi còn lúng túng vì thực tế hiện nay vẫn chưa có một quy định chung về việc thu phí xác lập vi bằng hay xác minh về điều kiện thi hành án của khách hàng. Tất cả đều dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên. Vì vậy, tôi nghĩ giá hợp lý thì người dân mới chấp nhận, chứ thu cao quá thì… Văn phòng cũng sẽ chẳng có gì mà thu. Chúng tôi xác định phải từ đơn giản đi lên, trước mắt, sẽ tập trung vào việc tống đạt và xác lập vi bằng theo yêu cầu của khách hàng, chủ yếu ở địa bàn TP Quy Nhơn.
● Cảm ơn ông!
Đức Hoài
Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=15&macmp=17&mabb=19161

logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết