Blog Thừa phát lại - Ngày 02/07 vừa qua, Văn phòng Thừa phát lại Quận 10 đã tiến hành lập vi bằng về việc người đại diện của Công ty Cổ phần Phú Hoàng Anh (một thành viên của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) đến địa chỉ trên đường Trần Khánh Dư, Quận 1 giao “Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ” cho ông D.T.H-khách hàng mua căn hộ của công ty.
Theo trình bày của Công ty Cổ phần Phú Hoàng Anh (sau đây gọi là Công ty Phú Hoàng Anh) thì ngày 02/6/2009, ông D.T.H và Công ty Phú Hoàng Anh đã ký kết Hợp đồng mua bán căn hộ thuộc khu Cao ốc Phú Hoàng Anh, khu số 9, đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Theo đó, quá trình thanh toán tiền mua căn hộ của ông D.T.H được 2 bên thỏa thuận chia làm 8 đợt. Sau 2 đợt thanh toán đầu tiên với khoảng 30% giá trị hợp đồng, ông D.T.H đã không thanh toán thêm bất kỳ một khoản tiền nào cho công ty Phú Hoàng Anh mặc dù công ty đã nhiều lần gửi thư thông báo bàn giao căn hộ và yêu cầu ông D.T.H tiếp tục thanh toán số tiền còn thiếu. Đại diện công ty rất bức xúc cho biết thêm rằng, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho xây dựng, công ty đã cố gắng thực hiện đầy đủ các điều khoản, cũng như cam kết trong hợp đồng liên quan đến việc hoàn thành và chuẩn bị bàn giao căn hộ đúng hạn. Tuy nhiên, đến khi hoàn thành, ông D.T.H không đến nhận bàn giao căn hộ cũng như thanh toán tiếp số tiền còn thiếu. Công ty rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tiền bán căn hộ không nhận được, căn hộ hoàn thành cũng không thể giao dù có nhiều khách hàng khác liên hệ để mua. Biết là hành vi ông D.T.H rõ ràng vi phạm điều khoản của Hợp đồng mua bán đã ký kết nhưng Công ty chưa biết nên giải quyết thế nào buộc lòng phải nhờ đến Văn phòng Thừa phát lại hỗ trợ.
Tiếp nhận yêu cầu của công ty Phú Hoàng Anh, Văn phòng Thừa phát lại Quận 10 đã tư vấn cho khách hàng quy trình, thủ tục pháp lý để công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông D.T.H một cách hợp pháp và giúp công ty nhanh chóng rời bỏ các ràng buộc pháp lý trong Hợp đồng mua bán căn hộ đã ký kết, sớm đưa căn hộ nói trên chuyển nhượng cho khách hàng khác. Và cuối cùng, vi bằng về việc giao “Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng” được lập trong trường hợp này.
Hình: Thừa phát lại Quận 10 đang lập vi bằng về việc giao Thông báo thanh toán nợ quá hạn (Ảnh Văn phòng Thừa phát lại Quận 10) |
Đây không phải là lần đầu tiên Văn phòng Thừa phát lại Quận 10 tiếp nhận yêu cầu lập vi bằng về việc giao “Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng” liên quan đến vấn đề nhà đất. Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động (Tháng 5/2012) đến nay, Văn phòng đã lập hàng chục vi bằng liên quan đến vấn đề trên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Một Văn phòng khác là Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh cũng thực hiện hàng trăm vi bằng tương tự cho Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng. Bên cạnh đó, vi bằng cũng được lập trong các trường hợp khác như: Giao Thông báo về việc thanh toán nợ đến/quá hạn, Thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà, Thông báo về việc lấy lại nhà cho thuê, Thông báo về việc hủy bỏ hợp đồng các loại… Điểm chung của các trường hợp lập vi bằng vừa nêu, pháp luật bắt buộc các bên khi rơi vào các trường hợp kể trên, phải thực hiện việc thông báo cho bên đối lập trước khi tiến hành các hành động khác ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên đối lập.
Điển hình, Bộ luật dân sự 2005, khoản 2 Điều 425 quy định: “Bên huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc huỷ bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Khoản 2 Điều 426: “Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Khoản 3 Điều 498: “Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà phải báo cho bên kia biết trước một tháng, nếu không có thoả thuận khác”….
Nếu trong trường hợp trên Công ty Phú Hoàng Anh không thực hiện việc thông báo cho ông D.T.H về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng một cách công khai, minh bạch và có chứng cứ rõ ràng về việc giao thông báo đó mà đã đem căn hộ trên bán cho một người khác thì rất dễ bị ông D.T.H khởi kiện ra Tòa yêu cầu bàn giao căn hộ và bồi thường thiệt hại chiếu theo khoản 2 Điều 425 Bộ luật dân sự 2005. Chính vì vậy, việc giao thông báo kể trên cần Thừa phát lại chứng kiến, lập vi bằng để làm chứng cứ phòng ngừa các rủi ro pháp lý về sau.
Đức Hoài