Không được từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại

  25/5/19
Blog Thừa phát lại - Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 thì "Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại nếu có".
Thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp được Nhà nước giao cho bốn chức năng liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Thừa phát lại có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện một số công việc nhất định để đảm bảo Thừa phát lại thực hiện hiệu quả chức năng của mình. Tuy nhiên, đối với các yêu cầu không phù hợp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền từ chối thực hiện.
Vậy, phải làm sao để biết được trường hợp nào được quyền từ chối Thừa phát lại và trường hợp nào không được từ chối?
Thông thường, các quy định này áp dụng với người thứ ba trong quan hệ công việc với Thừa phát lại. Ví dụ, đối với việc lập vi bằng, ngoại trừ người yêu cầu lập vi bằng thì các bên còn lại là người thứ ba (người cần giao thông báo trong hồ sơ vi bằng giao thông báo, nhân viên bảo vệ của công ty trong hồ sơ vi bằng cản trở nhân viên vào công ty làm việc...); đối với việc xác minh điều kiện thi hành án thì bên thứ ba là cơ quan đang nắm giữ thông tin...
Về cách phân biệt, nếu hai nội dung sau đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật mà cá nhân, cơ quan, tổ chức từ chối yêu cầu của Thừa phát lại thì việc từ chối đó là trái quy định: Một là, quyền yêu cầu của Thừa phát lại; Hai là, nghĩa vụ tuân theo của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nếu thiếu một trong hai nội dung này thì việc từ chối là không trái quy định của pháp luật. 
Ví dụ 1, theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 thì "Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại". Do nghi ngờ bên thuê nhà ngăn nhà thuê làm nhiều phòng rồi cho thuê lại (trái nội dung hợp đồng thuê) nên chủ nhà yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng. Rõ ràng, nếu muốn ghi nhận chính xác nội dung này thì Thừa phát lại phải di chuyển vào trong căn nhà thuê. Theo Hợp đồng thì chủ nhà muốn vào kiểm tra hiện trạng nhà phải báo trước bên thuê 03 ngày làm việc. Tuy nhiên, chủ nhà và Thừa phát lại đến đột xuất mà không báo trước. Trong tình huống này, Thừa phát lại yêu cầu bên thuê nhà cho vào căn nhà nêu trên vì nó đáp ứng yêu cầu việc lập vi bằng. Tuy nhiên, nếu bên thuê nhà từ chối thì sự từ chối này là không trái quy định của pháp luật vì không có quy định nào buộc bên thuê phải cho Thừa phát lại vào nhà trong trường hợp này.
nhờ thừa phát lại xác minh
Hình minh họa
Ví dụ 2, khách hàng yêu cầu Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án là quyền sử dụng đất tại huyện A, tỉnh B. Trong trường hợp này, nếu Thừa phát lại đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục và đã gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin cho Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh B - chi nhánh huyện A nhưng đơn vị này từ chối cung cấp thông tin là trái quy định của pháp luật. Bởi vì, căn cứ khoản 3 Điều 31 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 thì cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất phải thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại về xác minh điều kiện thi hành án và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp. 
Tác giả: Đức Hoài (Vui lòng dẫn nguồn nếu đăng lại bài viết từ trang này)
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết