Bản án tranh chấp hợp đồng vay tiền có sử dụng vi bằng

  21/4/19
Blog Thừa phát lại - Vi bằng ghi nhận nội dung thỏa thuận vay tiền hoặc ghi nhận hành vi giao nhận số tiền vay là một trong các vi bằng phổ biến của Thừa phát lại. Điều này là dễ hiểu bởi đây là các nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề tài chính nên các bên cần một bên thứ ba làm chứng để đảm bảo quyền lợi về sau.


Nhân tiện, tác giả lưu ý đọc giả rằng, theo quy định tại Điều 469 Bộ luật dân sự năm 2015 thì đối với hợp đồng vay không kỳ hạn thì bên cho vay có thể đòi lại tài sản bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý. Đây là điều kiện để tòa án thụ lý hồ sơ tranh chấp kiện đòi tài sản vay. Do đó, trong hợp đồng vay, dù là viết giấy tay hoặc các bên có quan hệ thân thích thì cũng nên ghi rõ thời hạn trả nợ để tránh trường hợp khi phát sinh tranh chấp thì phải đi gửi thông báo đòi nợ rồi mới được giải quyết hồ sơ khởi kiện. Sau đây là nội dung bản án:

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC, TỈNH AN GIANG
BẢN ÁN 11/2018/DS-ST NGÀY 16/04/2018 VỀ TRANH CHẤP DÂN SỰ VAY TÀI SẢN
Ngày 16 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Châu Đốc xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý 149/2017/TLST-DS ngày 16/10/2017 về việc“Tranh chấp hợp đồng dân sự vay, tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 21/2018/QĐXXST-DS ngày 12 tháng 3 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 10/2018/QĐST-DS ngày 29 tháng 3 năm 2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn Chị Trần Thị Ngọc H, sinh năm 1976, địa chỉ: số  347 đường Hoàng Diệu, khóm CL, phường B, thành phố CĐ, tỉnh An Giang.
2. Đồng bị đ ơn  Anh Lâm Quốc D, sinh năm 1984 và chị Nguyễn Thị Tuyết N, sinh năm 1979; cùng địa chỉ: số 10, lô số 02 Bến xe mới, phường VM, thành phố CĐ, tỉnh An Giang (Đăng ký HKTT: tổ 39, khóm B, phường A, thành phố CĐ, tỉnh An Giang).
Chi H có mặt tại phiên tòa; anh Duy và chị N vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện, bản tự khai ngày 28/8/2017, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà Trần Thị Ngọc H trình bày:
Ngày 06/11/2015, Chị H có cho anh Lâm Quốc D và chị Nguyễn ThịTuyết N vay 60.000.000 đồng, có biên nhận nợ, lãi suất 2%/tháng, trả lãi được02 tháng là 2.000.000 đồng. Ngày 28/02/2017, anh Duy và chị N trả  vốn 30.000.000 đồng, còn nợ vốn 30.000.000 đồng hẹn trả 500.000 đồng/tháng chođến khi hết nợ, có Lập vi bằng số 14/2017/VB.TPL ngày 28/02/2017 của Văn phòng Thừa phát lại Châu Đốc, nhưng Duy và N không thực hiện. Chị H yêu cầu anh Lâm Quốc D và chị Nguyễn Thị Tuyết N trả vốn 30.000.000 đồng, tính tiền lãi với lãi suất theo quy định pháp luật từ ngày 28/02/2017 đến khi thi hànhán  xong.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã nhiều lần tống đạt văn bản tống tụng cho anh Lâm Quốc D và chị Nguyễn Thị Tuyết N theo địa chỉ số 10, lô số 02 Bến xe mới, phường VM, thành phố CĐ, tỉnh An Giang và địa chỉ tổ 39, khóm B, phường A, thành phố CĐ, tỉnh An Giang do bà H cung cấp.
Qua kết quả xác minh, Công an nhân dân phường VM cho biết:  D và N không đăng ký thường trú hay tạm trú; Công an nhân dân phường A cho biết,  D và N có đăng ký thường trú tại tổ 39, khóm B, phường A, thành phố CĐ. Vào tháng 10/2015, gia đình D và N thuộc diện giải tỏa nên đã đi đến nơi khác sinh sống, không biết địa chỉ.
Tòa án đã thực hiện thủ tục niêm yết các văn bản tố tụng của Tòa án cho anh D và chị N tại các địa chỉ do bà N cung cấp. Ông D và chị N không đến Tòa án theo giấy triệu tập, không cung cấp tài liệu, chứng cứ nên Tòa án không ghi nhận được lời khai của anh D và chị N; không tiến hành hòa giải được. Tòa án tiến hành công khai chứng cứ vắng mặt D và N và thông báo thu thập tài liệu chứng cứ cho anh D và bà N biết để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo pháp luật.
Tại phiên tòa, Chị H giữ nguyên yêu cầu; anh D và chị N vắng mặt lần thứ hai không có lý do.
Ý kiến của Kiểm sát viên:
 Tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa trong qúa trình giải quyết vụ án: Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án đã thực hiện đúng quy định tại Điều 48, Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án tại phiên tòa thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về xét sử sơ thẩm vụ án.
Những người tham gia tố tụng: nguyên đơn thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật. Bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không lý do.
- Giải quyết vụ án: Chứng cứ trong hồ sơ vụ án, tại phiên tòa, hợp đồng vay tài sản giữ chị H và anh D được giao kết số tiền 60.000.000 đồng, có biênnhận nợ, lãi suất 2%/tháng, trả lãi 2.000.000 đồng. D và N trả vốn được30.000.000 đồng, còn nợ H 30.000.000 đồng, hẹn trả 500.000 đồng/tháng, có văn bản thỏa thuận của các đương sự được lập vi bằng ngày 28/02/2017 có sự chứng kiến của Văn phòng thừa phát lại Châu Đốc, nhưng D và N không thực hiện. Đủ căn cứ xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 463, Điều 466, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Về tố tụng:
[1] Thẩm quyền: Chị Trần Thị Ngọc H khởi kiện tranh chấp dân sự, vay tài sản với anh Lâm Quốc D và chị Nguyễn Thị Tuyết N, cùng địa chỉ: số 10, lô số 02 Bến xe mới, phường VM, thành phố CĐ, tỉnh An Giang (Đăng ký HKTT: tổ 39, khóm B, phường A, thành phố CĐ, tỉnh An Giang). Xét, quan hệ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc theo quy định tại khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; nguyên đơn đã nộp tạm ứng án phí và Tòa án thụ lý giải quyết.
[2] Thời hiệu khởi kiện: Ngày 06/11/2015, Chị H cho anh D và chị N vay60.000.000 đồng. Ngày 28/02/2017, D và N trả cho chị H vốn 30.000.000 đồng,còn nợ 30.000.000 đồng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận. Ngày 28/8/2017, chị H khởi kiện tranh chấp dân sự vay tài sản nên còn thời hiệu khởi kiện theo các Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015.
[3] Sự vắng mặt của đương sự: Anh Lâm Quốc D và chị Nguyễn Thị Tuyết N đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt. Căn cứ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án tiến hành xét xử.
Về nội dung:
[1] Vốn vay: Ngày 06/11/2015, chị Trần Thị Ngọc H có cho anh Lâm Quốc D và chị Nguyễn Thị Tuyết N vay 60.000.000 đồng. Ngày 28/02/2017, anh D và chị N trả vốn 30.000.000 đồng, còn 30.000.000 đồng hẹn trả 500.000 đồng/tháng, nhưng không thực hiện.
Chị H cung cấp chứng cứ chứng minh là vi bằng số 14/2017/VB.TPL ngày 28/02/2017 do Thừa phát lại Châu Đốc lập, thể hiện nội dung các bên thỏa thuận “số tiền còn lại 30.000.000 đồng, D và N trả dần 500.000 đồng/tháng cho đến khi dứt nợ bắt đầu trả từ tháng 04/2017 (vào ngày 01 đến ngày 10 của tháng)”.
Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 quy định “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”.
Anh D và chị N vay tiền của chị H nhưng vi phạm nghĩa vụ trả tiền vốn theo thỏa thuận, chị H yêu cầu D và N liên đới có trách nhiệm trả 30.000.000 đồng là có căn cứ chấp nhận.
[2] Tiền lãi:
Theo khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Chị H yêu cầu anh D và bà N trả tiền lãi theo lãi suất quy định pháp luật, tính từ ngày 28/02/2017 đến khi thi hành án xong là phù hợp, chấp nhận.
Tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, lãi suất được quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”. Tại khoản 1Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định mức lãi suất giới hạn là 20%/năm. Lãi suất áp dụng đối với giao dịch vay giữa chị H với anh D và chị N là 10%/năm (0.83%/tháng). Chiết tính:Từ ngày 28/02/2017đến ngày 16/4/2018(13 tháng 19 ngày). 30.000.000đồng x 0.83%/thángx13 tháng, 19 ngày/30 = 3.394.000 đồng. [3] Buộc anh Lâm Quốc D và chị Nguyễn Thị Tuyết N liên đới có tráchnhiệm trả cho chị Trần  Thị Ngọc H vốn 30.000.000 đồng, lãi  3.394.000 đồng; tổng cộng 33.394.000 (ba mươi ba triệu ba trăm chín mươi bốn nghìn) đồng theo quy định tại Điều 463, Điều 466, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
[4] Về án phí: Anh D và chị N phải chịu 1.670.000 đồng án phí  dân sự sơ thẩm (đối với  33.394.000 đồng).
Chị H được chấp nhận toàn bộ yêu cầu nên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, hoàn trả tạm ứng án phí cho chị H.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào các Điều 463, Điều 466, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; các Điều 147, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
[1] Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của  chị Trần Thị Ngọc H; Buộc anh Lâm Quốc D và chị Nguyễn Thị Tuyết N liên đới có trách nhiệm trả cho chị Trần Thị Ngọc H vốn 30.000.000 đồng, lãi  3.394.000 đồng; tổng cộng 33.394.000 (ba mươi ba triệu ba trăm chín mươi bốn nghìn) đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
[2] Về án phí dân sự sơ thẩm:
Anh Lâm Quốc D và chị Nguyễn Thị Tuyết N phải chịu 1.670.000 (một triệu sáu trăm bảy mươi nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Chị Trần Thị Ngọc H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm; hoàn trả cho H 750.000 (bảy trăm năm mươi nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai số TU/2015/0014828 ngày 16 tháng 10 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Châu Đốc.
Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, chị H có quyền kháng cáo để yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm.
Riêng thời hạn kháng cáo của anh D và chị N là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Download Bản án: Tại đây
Tác giả: Đức Hoài
Nguồn Bản án: thuvienphapluat
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết