Bản án về tranh chấp lao động có sử dụng vi bằng

  23/4/19
Blog Thừa phát lại - Trong quan hệ lao động, có những trường hợp phát sinh mà người lao động, người sử dụng lao động cần lập vi bằng ghi nhận làm chứng cứ như: Hành vi người sử dụng lao động ngăn cản không cho người lao động vào làm việc dù hợp đồng còn hiệu lực, hành vi người lao động gửi các tài liệu nội bộ của công ty ra bên ngoài, hành vi vi phạm nội quy lao động, hành vi kiểm kê tài sản của người lao động bỏ lại ở công ty...
Dưới đây là một bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương có liên quan đến vi bằng ghi nhận việc người lao động không vào được công ty để làm việc. Rất tiếc, nội dung vi bằng chưa chứa đựng đủ các thông tin cần thiết để Tòa án làm căn cứ tuyên người sử dụng lao động có hành vi cản trở người lao động vào công ty làm việc.
bản án về lao động thừa phát lại
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 17/2017/LĐ-PT NGÀY 26/09/2017 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Trong các ngày 22 và 26 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 12/2017/TLPT-LĐ ngày 31 tháng 8 năm 2017 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 09/2017/LĐ-ST ngày 13 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 11/2017/QĐ-PT ngày 12/9/2017, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Dương Văn Dũng A, sinh năm 1965; hộ khẩu thường trú: Ấp C, xã T, huyện H, tỉnh Kiên Giang; tạm trú: Phòng trọ số X, nhà trọ Tr, khu phố B, phường K, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Có mặt.
Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Duy L, sinh năm 1985; thường trú: Số B, khu phố N, phường A, thị xã Th, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 21/10/2016). Có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH đồ gỗ VL; địa chỉ: Khu phố B, phường K, thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Chang Shih A, Quốc tịch: Đài Loan (Trung Quốc), chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc.
Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Huy T, sinh năm 1972. Địa chỉ: Tổ B, khu phố T, phường U, thị xã T, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 10/01/2017). Có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ N; địa chỉ: Số 748, đường A, phường G, Quận V, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị Nhi H, chức vụ: Giám đốc. Vắng mặt.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn do ông Nguyễn Duy Lưu đại diện và bị đơn Công ty TNHH Đồ gỗ VL.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 24/10/2016, trong quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Dương Văn Dũng A và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Nguyễn Duy L thống nhất trình bày:
Ông Dương Văn Dũng A vào làm việc tại Công ty TNHH Đồ gỗ VL (gọi tắt là Công ty) từ ngày 01/7/2014, hai bên ký hợp đồng lao động thời hạn 03 tháng, mức lương 2.889.000 đồng, chức vụ công nhân, địa điểm làm việc tại Công ty VL tọa lạc tại phường K, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Ngày 01/11/2014 ông A và Công ty ký hợp đồng lao động có thời hạn 06 tháng, mức lương 2.889.000 đồng. Ngày 01/6/2015, ông A và Công ty ký hợp đồng lao động thời hạn 01 năm, từ ngày 01/6/2015 đến ngày 31/5/2016 mức lương 3.317.000 đồng.
Ngày 01/7/2016 ông A và Công ty ký hợp đồng lao động thời hạn 03 năm từ ngày 01/7/2016 đến ngày 31/7/2019, chức vụ công nhân, công việc phải làm: Máy cắt, mức lương: 3.745.000 đồng, phụ cấp chuyên cần 200.000 đồng, tiền cơm 15.000 đồng/phần.
Trong thời gian làm việc tại Công ty, ông A luôn chấp hành nội quy lao động, không bị lập bất kỳ biên bản xử lý kỷ luật nào. Ông A đang làm việc bình thường thì 11 giờ ngày 27/9/2016 ông Tổng giám đốc công ty mời ông A lên văn phòng Công ty đề nghị ông A chấm dứt hợp đồng lao động mà không nêu ra lý do; đại diện của Công ty không giao quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, chỉ nói bằng miệng, ông A không đồng ý nên Công ty hẹn ông A buổi chiều cùng ngày đến Công ty để giải quyết. 15 giờ ngày 27/9/2016 ông A đến nhưng Công ty vẫn đề nghị ông A làm đơn xin thôi việc, ông A không đồng ý nên ra về. Ngày 28, 29 tháng 9 năm 2016 ông A đến Công ty làm việc nhưng bảo vệ đã ngăn cản không cho ông A vào nên ông A không thể báo hoặc nhờ ai báo cho Công ty biết sự việc bị ngăn cản không cho vào làm việc. Do không được vào Công ty làm việc, ông A đã yêu cầu bảo vệ tại cổng Công ty là ông Phạm Văn L xác nhận vào cuốn sổ ông A mang theo nội dung “phòng bảo vệ VL xác nhận 1- Trần Văn Th: 1967, 2-Dương Văn Dũng A: năm sinh 1965, 02 công nhân quyết định không cho vào làm việc công ty Tổng giám đốc, 02 ngày 27 và 28 tháng 9 bảo vệ xác nhận và ký tên Phạm V L”; “Ngày 29-9-2016 1-Trần Văn Th, 2- Dương Văn Dũng A có lại cổng bảo vệ ông tổng không cho vào làm: Ký tên Phạm V L”. Do không được cho vào làm việc nên ông A không đến Công ty và làm đơn nhờ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương can thiệp.
Ngày 06/10/2016 Công ty đã đến nơi ông A thuê trọ nhắn ông A đến Công ty làm việc, chiều ngày 06/10/2016, ngày 08/10/2016, ngày 10/10/2016 ông A đã đến Công ty theo lời nhắn, ông Chang Shih A, Tổng giám đốc trực tiếp làm việc với ông A cùng 02 người phiên dịch là bà Đoàn Tố D, chức vụ Kế toán trưởng và bà Nguyễn Thị Thùy Tr, chức vụ nhân viên nhân sự nhưng Công ty không nhận ông A lại làm việc, không đồng ý đóng bảo hiểm cho ông A mà yêu cầu ông A ký đơn xin thôi việc, nếu không ký sẽ không giải quyết tiền lương, không trả tiền bảo hiểm xã hội, ông A không đồng ý ký đơn thôi việc nên ra về. Sau ngày 10/10/2016 ông A không đến Công ty.
Ngày 24/10/2016 ông A nộp đơn khởi kiện tại Tòa án, để có chứng cứ chứng minh Công ty không cho ông A vào làm việc, ngày 25/10/2016 ông A yêu cầu Thừa phát lại lập Vi bằng số 311/VB-TPL.
Từ tháng 01/2017 đến nay Công ty không trích tiền bảo hiểm xã hội (sau đây gọi là BHXH) trong tổng số tiền lương hàng tháng ông A được lãnh để đóng BHXH nên ông A yêu cầu Công ty phải đóng BHXH cho ông A theo quy định pháp luật, ông A đồng ý truy nộp tiền bảo hiểm đối với phần người lao động phải đóng để được hưởng BHXH.
Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông A trái với quy định của pháp luật nên phải bồi thường cho ông A các khoản tiền sau:
Bồi thường tiền lương và phụ cấp trong những ngày không được làm việc, tính từ ngày 27/9/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm 12/6/2017 là 8 tháng 15 ngày x (3.745.000 đồng lương cơ bản + 200.000 đồng phụ cấp chuyên cần) = 33.836.000 đồng;
Bồi thường 02 tháng tiền lương và phụ cấp lương là: (3.745.000 đồng + 200.000 đồng) x 2 tháng = 7.890.000 đồng;
Bồi thường tiền lương và phụ cấp lương do vi phạm thời hạn báo trước: (3.745.000 đồng + 200.000 đồng)/26 ngày x 45 ngày = 6.827.000 đồng.
Công ty phải đóng BHXH cho ông A tại cơ quan BHXH từ ngày 01/7/2014 đến ngày 12/6/2017 làm tròn 35 tháng. Mức đóng BHXH là số tiền lương hàng tháng của 6 (sáu) tháng liền kề gần nhất 3.745.000 đồng x 35 tháng x 22% = 28.836.500 đồng.
Thanh toán tiền lương và phụ cấp lương tháng 9/2016 mà ông A làm việc nhưng chưa được nhận là 1.945.000 đồng;
Yêu cầu Công ty nhận ông A trở lại làm việc theo công việc đã ký kết trong hợp đồng.
Tổng số tiền ông A yêu cầu Công ty phải bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 50.498.000 đồng.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH Đồ gỗ VL, ông Nguyễn Huy Tưởng trình bày:
Công ty thừa nhận giữa Công ty và ông Dương Văn Dũng A ký 04 hợp đồng lao động như nguyên đơn trình bày. Hợp đồng cuối cùng mức lương: 3.745.000 đồng, tiền chuyên cần 200.000 đồng, tiền cơm 15.000 đồng/phần. Tiền chuyên cần tháng nào ông A đi làm đầy đủ ngày công mới được nhận nên đây không phải là số tiền phụ cấp cố định.
Do Công ty không có đơn hàng, ít việc nên ngày 27/9/2016, Ban giám đốc Công ty mời ông A lên văn phòng để thương lượng việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông A nhưng ông A không đồng ý và bỏ về không tiếp tục làm việc. Qua theo dõi sổ chấm công không thấy ông A đi làm, Công ty đã liên lạc bằng điện thoại đồng thời tới nơi ông A thuê trọ để nhắn ông A trở lại làm việc. Ngày 06/10/2016 ông A đã tới Công ty theo lời nhắn, Công ty đề nghị ông A phải đi làm vào ngày hôm sau nhưng ông A không đồng ý, hai bên chỉ nói chuyện bằng miệng, không lập biên bản, Công ty có ghi âm lại nội dung Công ty yêu cầu ông A quay trở lại làm việc nhưng ông A không đồng ý. Vào các ngày 08 và 10 tháng 10/2016, Công ty tiếp tục gọi điện thoại và trực tiếp đến nơi ông A thuê trọ để yêu cầu ông A quay lại Công ty làm việc, Công ty cũng nhờ chủ nhà trọ và người ở cùng dãy trọ với ông A nhắn ông A đến Công ty để tiếp tục làm việc. Chiều ngày 08/10/2016, ngày 10/10/2016 ông A đến Công ty nhưng không đồng ý đi làm và yêu cầu Công ty phải bồi thường toàn bộ tiền BHXH từ khi vào làm việc nếu không trả thì ông A không trở lại làm việc. Sau ngày 10/10/2016 ông A không đến Công ty nữa. Công ty không biết các ngày 28, 29 tháng 9 năm 2016 ông A đến cổng Công ty đứng 02 ngày nhưng không vào làm việc vì bảo vệ khu vực cổng Công ty không trình báo, sau khi ông A khởi kiện Công ty mới được Tòa án thông báo sự việc này. Công ty không yêu cầu bảo vệ ngăn ông A vào làm việc, bảo vệ xác nhận nội dung theo yêu cầu của ông A là ý kiến cá nhân của bảo vệ vì trong hợp đồng cung ứng bảo vệ có ghi rõ bảo vệ phải có nghĩa vụ kịp thời trình báo sự việc xáo trộn xảy ra. Nội dung xác nhận của bảo vệ không đúng với diễn biến sự việc vì ngày 27 ông A vẫn đi làm bình thường, các nội dung còn lại không rõ nghĩa và không có giá trị chứng minh Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông A từ ngày 27/9/2016.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên có quyền đưa ra đề nghị chấm dứt hợp đồng nếu được bên kia đồng ý, ông A không đồng ý chấm dứt hợp đồng thì phải tiếp tục làm công việc của mình như đã ký kết trong hợp đồng. Vào các ngày 06, 08, 10 tháng 10/2016 ông A đến Công ty nhưng cũng không báo lại cho Công ty biết sự việc xảy ra ngày 28, 29 mà chỉ yêu cầu Công ty trả trực tiếp toàn bộ tiền BHXH. Sau đó ông A không đến Công ty làm việc theo yêu cầu của Công ty là tự nghỉ việc, Công ty chưa lập biên bản xử lý kỷ luật đối với ông A vì vẫn đang yêu cầu ông A quay lại Công ty làm việc, tuy nhiên kể từ ngày 10/10/2016 Công ty không liên lạc được với ông A. Sáng ngày 26/10/2016, bảo vệ Công ty có báo khoảng 12 giờ trưa ngày 25/10/2016 ông A cùng ông Trần Văn Th đến gây rối trước cổng Công ty. Thời điểm ông A đến Công ty để yêu cầu được vào Công ty sau khi đã nghỉ việc 15 ngày Công ty không biết nên không lập biên bản xử lý, liền sau đó Công ty nhận được thông báo của Tòa án về việc ông A đã khởi kiện Công ty có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Công ty khẳng định không đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông A và trong quá trình tham gia tố tụng Công ty luôn đưa ra ý kiến đề nghị ông A tiếp tục làm công việc theo hợp đồng đã ký kết nhưng ông A không đồng ý. Theo nội dung khởi kiện, ông A bị Công ty chấm dứt hợp đồng lao động không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động năm 2012, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 Công ty không có nghĩa vụ chứng minh. Đến thời điểm xét xử sơ thẩm, Công ty không cho ông A nghỉ việc nên chưa ra quyết định thôi việc với ông A.
Tháng 9/2016 ông A có đi làm nên được quyền nhận lương, ông A đã ứng trước 2.000.000 đồng còn lại 1.945.000 đồng. Ngoài ra, Công ty vẫn trả lương đến ngày 10/10/2016 cho ông A là 3.745.000 đồng + 200.000 đồng phụ cấp chuyên cần/26 ngày x 10 ngày = 1.528.846 đồng, ông A có quyền đến công ty để nhận số tiền trên. Sau ngày 10/10/2016 ông A tự nghỉ việc nên Công ty không đồng ý bồi thường các khoản tiền theo yêu cầu của nguyên đơn.
Để được hưởng BHXH, người lao động phải làm tờ khai, Công ty đã thông báo nhưng ông A không làm nên Công ty không đăng ký BHXH cho ông A tại cơ quan BHXH. Hàng tháng Công ty không trừ tiền BHXH trong tổng tiền lương của ông A mà còn trả vào lương cho ông A một khoản tiền tương đương 22% tiền Công ty trích đóng BHXH. Đối với khoản tiền trả vào lương này ông A không thừa nhận chữ ký trong bảng lương, Công ty không yêu cầu Tòa án giám định chữ ký và giải quyết nhưng Công ty không đồng ý truy nộp BHXH cho ông A như nội dung công văn của BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH thị xã T vì việc truy nộp BHXH trong trường hợp của ông A trái với quy định của pháp luật.
Trong quá trình tham gia tố tụng, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ N (sau đây gọi là Công ty N) trình bày: Ông Phạm Văn L là người được Công ty N ký hợp đồng lao động và được phân công làm bảo vệ tại Công ty vào các ngày 27, 28, 29, 30 tháng 9/2016. Công ty N không biết gì về sự việc xảy ra các ngày nêu trên, không yêu cầu ông L ngăn ông A hoặc bất kỳ công nhân nào vào Công ty, không yêu cầu ông L xác nhận nội dung ông A nộp cho Tòa án. Ngày 25/10/2016, sau khi sự việc xảy ra ông L có báo về Công ty toàn bộ diễn biến sự việc, nội dung bản tường trình của ông L, Công ty N đã nộp cho Tòa án.
Trong quá trình tham gia tố tụng, người làm chứng ông Phạm Văn L trình bày: Ông L là người được Công ty giao bấm thẻ chấm công cho công nhân nhưng việc bấm thẻ thực hiện ở dưới xưởng, không phải ở cổng chính, việc bấm thẻ chấm công diễn ra từ 07 giờ đến 07 giờ 30 phút mỗi ngày, sau thời gian 07 giờ 30 phút ông L lên cổng chính để trực. Ngày 27, 28, 29 tháng 9 năm 2016 ông L không gặp Tổng giám đốc Công ty, ông Chang Shih A không yêu cầu ông L không cho ông A vào làm việc. Ngày 27/9/2016 ông L không xuống xưởng yêu cầu ông A ra khỏi Công ty và khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày ông L vẫn nhìn thấy ông A và ông Th vào Công ty. Ngày 28, 29/9/2016 ông A có đến trước cổng Công ty nhưng không vào làm, ông L hỏi thì ông A nói ông Tổng Giám đốc không cho vào. Ông L không ngăn cản ông A vào Công ty vì ông A đang là công nhân. Ngày 29/9/2016, ông A đến cổng bảo vệ vào khoảng thời gian ông L trực ở cổng chính và nhờ ông L xác nhận theo nội dung ông A nộp cho Tòa án. Vì tưởng thông tin của ông A về việc Tổng giám đốc không cho ông A vào làm việc như lời ông A nói đã diễn ra nên ông L viết đúng nội dung ông A đọc, đây là lý do vì sao nội dung xác nhận không rõ nghĩa. Công ty N không biết gì về sự việc xảy ra các ngày 28, 29 tháng 9/2016 cũng không yêu cầu ông L xác nhận nội dung theo chứng cứ ông A giao nộp, vì ông A không gây rối trước cổng Công ty nên ông L không báo lại sự việc cho Công ty.
Trong quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa người làm chứng bà Nguyễn Thị Thùy Tr, bà Đoàn Tố D thống nhất trình bày: Theo yêu cầu của Tổng giám đốc Công ty, bà Tr và bà D đã liên lạc với ông A bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin, trực tiếp tới phòng trọ nơi ông A thuê để nhắn ông A đi làm. Các ngày 06, 08, 10 tháng 10/2016 ông A đã đến Công ty, ông Chang Shih A trực tiếp làm việc với ông A, còn bà Tr, bà D là phiên dịch, Công ty đã yêu cầu ông A phải đi làm nhưng ông A nói nếu Công ty không trả trực tiếp toàn bộ tiền BHXH thì ông A không làm nữa. Nội dung đoạn ghi âm Công ty nộp cho Tòa án do bà D tự ghi trong buổi Công ty làm việc với ông A và ông Th ngày 06 tháng 10 năm 2016.
Bản án sơ thẩm số 09/2017/LĐ-ST ngày 13 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T đã quyết định:
1. Không chấp nhận yêu cầu của ông Dương Văn Dũng A với Công ty TNHH Đồ gỗ VL về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Ông Dương Văn Dũng A được quyền liên hệ Công ty TNHH Đồ gỗ VL để nhận lương và phụ cấp lương tháng 9/2016 số tiền 1.945.000 đồng và 1.528.846 đồng tiền lương tháng 10/2016.
3. Buộc Công ty TNHH Đồ gỗ VL có trách nhiệm đóng 19.985.500 đồng tiền BHXH từ tháng 7/2014 đến tháng 9/2016 cho ông Dương Văn Dũng A tại BHXH thị xã T;
Ông Dương Văn Dũng A đóng 9.378.500 đồng tiền BHXH từ tháng 7/2014 đến tháng 9/2016 tại Bảo hiểm xã hội thị xã T.
4. Ghi nhận việc Công ty TNHH Đồ gỗ VL nhận ông Dương Văn Dũng A trở lại làm việc theo công việc đã ký kết trong hợp đồng lao động.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 23 tháng 6 năm 2017, ông Nguyễn Duy L là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với nguyên đơn.
Ngày 26/6/2017 bị đơn Công ty kháng cáo một phần bản án sơ thẩm yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa mục 3 phần quyết định của bản án sơ thẩm theo hướng: Công ty TNHH Đồ gỗ VL có trách nhiệm đóng BHXH cho ông Dương Văn Dũng A tại Bảo hiểm xã hội thị xã T kể từ khi ông Dương Văn Dũng A có tờ khai đăng ký tham gia BHXH theo quy định.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn và bị đơn đều giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, không thỏa thuận được việc giải quyết vụ án.
Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương: Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ khi tham gia phiên tòa theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung, bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và buộc bị đơn truy đóng BHXH cho nguyên đơn là phù hợp pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm đã có những vi phạm về tố tụng: Ghi sai số thụ lý vụ án và xác định ông Trần Đình V là người đại diện theo ủy quyền của Công ty N tại cấp sơ thẩm nhưng giấy ủy quyền chỉ có giá trị đến ngày 23/02/2017 là sai. Tuy nhiên, vi phạm tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm không nghiêm trọng, trong hồ sơ cũng chỉ có lời khai của ông Vọng đến ngày 23/02/2017 nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm, kiến nghị Tòa án cấp sơ thẩm cần nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng. Kiểm sát viên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các đương sự, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 09/2017/LĐ-ST ngày 13/6/2017 của TAND thị xã T.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về tố tụng: Ngày 13/6/2017, Tòa án nhân dân thị xã T xét xử vụ án và ban hành Bản án lao động sơ thẩm số 09/2017/LĐ-ST, ngày 23/6/2017 và ngày 26/6/2017 đại diện nguyên đơn và bị đơn có đơn kháng cáo bản án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự kháng cáo trong thời hạn luật định.
[2] Tại cấp phúc thẩm đại diện bị đơn yêu cầu Tòa án triệu tập bà Nguyễn Thị Huyền T thuộc Văn phòng thừa phát lại T tham gia phiên tòa để làm rõ tính xác thực của Vi bằng số 311/VB-TPL ngày 25/10/2016 do bà T lập. Tòa án đã tiến hành triệu tập bà T theo yêu cầu của đại diện bị đơn. Tại Văn bản số 32/TPLTU ngày 20/9/2017 theo đó Văn phòng thừa phát lại T cung cấp cho Tòa án thông tin về việc bà T đã không còn hành nghề thừa phát lại tại Văn phòng Thừa phát lại T từ tháng 7/2017 do vậy Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
[3] Xét yêu cầu kháng cáo của đại diện nguyên đơn về việc bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với nguyên đơn:
Nguyên đơn và đại diện nguyên đơn cho rằng các ngày 27, 28, 29 tháng 9 năm 2016 ông A đã đến Công ty nhưng không được bảo vệ trực tại cổng Công ty cho vào làm việc nên đã nhờ BHXH tỉnh Bình Dương can thiệp. Ông A cung cấp cho Tòa án sổ tay của ông A có nội dung: “phòng bảo vệ VL xác nhận 01- Trần Văn Th: 1967, 02- Dương Văn Dũng A: năm sinh 1965, 02 công nhân quyết định không cho vào làm việc công ty Tổng giám đốc, 02 ngày 27 và 28 tháng 9 bảo vệ xác nhận ký và ghi tên Phạm V L”; “Ngày 29-09-2016 01-Trần Văn Th, 02- Dương V Dũng A có lại cổng bảo vệ ông tổng không cho vào làm: Ký và ghi tên Phạm V L”.
Xét thấy, theo đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng tại cấp sơ thẩm ông A thừa nhận ngày 27/9/2016 ông A đang làm việc tại Công ty, đúng 11 giờ thì Tổng giám đốc Công ty mời ông A lên văn phòng đề nghị ông A làm đơn xin thôi việc, ông A không đồng ý nên khoảng 15 giờ cùng ngày ông A đến Công ty theo lời hẹn của Công ty. Tuy nhiên, trong biên bản lấy lời khai ngày 09/01/2017 (bút lục 90), biên bản đối chất ngày 03/3/2017 (bút lục 108) ông A trình bày: Ngày 27, 28, 29 ông A đến Công ty làm việc từ 6 giờ 50 phút nhưng ông Tổng giám đốc Công ty không cho vào làm việc nên ông L bảo vệ không cho ông A vào làm việc. Như vậy, lời trình bày của ông A về ngày 27/9/2016 ông A không được vào Công ty làm việc cũng như nội dung xác nhận của ông Phạm Văn L về việc ông Tổng giám đốc không cho ông A vào làm việc 02 ngày 27, 28 tháng 9/2016 là mâu thuẫn, không có giá trị chứng minh.
Trong quá trình tham gia tố tụng Công ty không thừa nhận đã yêu cầu bảo vệ ngăn cản không cho ông A vào làm việc, ông L bảo vệ công ty xác nhận ngày 28, 29/9/2016 ông A có đến cổng Công ty nhưng ông L không có bất cứ hành vi nào ngăn cản không cho ông A vào công ty làm việc. Phía ông A xác định do bảo vệ không cho vào Công ty nên ông A không thể báo cho Tổng giám đốc Công ty biết ngày 28, 29 tháng 9/2016 ông A không được vào công ty làm việc, như vậy ông A không chứng minh được Công ty biết sự việc trên xảy ra và sự kiện ông A không được vào làm việc là ý chí của Công ty.
Mặt khác, sau ngày 29/9/2016 công ty có đến nhắn ông A đến Công ty để giải quyết. Lời trình bày này của công ty được ông A thừa nhận. Trong các ngày 06, 08, 10 tháng 10 năm 2016 ông A đã đến Công ty theo lời nhắn, như vậy Công ty đã chứng minh sau ngày 28, 29 tháng 9/2016 vẫn liên lạc yêu cầu ông A đến Công ty nên chứng cứ ông A yêu cầu bảo vệ xác nhận không được bảo vệ cho vào Công ty làm việc các ngày 27, 28, 29/9/2016 theo yêu cầu của Tổng giám đốc không có giá trị để chứng minh Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông A từ ngày 27/9/2016.
Ông A cho rằng ngày 06, 08 và 10/10/2016 Công ty không yêu cầu ông A trở lại làm việc mà tiếp tục yêu cầu ông A viết đơn xin thôi việc, nội dung trình bày của ông A không được Công ty thừa nhận và ông A cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Ông A thừa nhận từ ngày 10/10/2016 ông A không đến Công ty làm việc.
Ngày 24/10/2016 ông A khởi kiện công ty về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông A. Sau khi khởi kiện vụ án tại TAND thị xã T, ngày 25/10/2016 ông A yêu cầu Thừa phát lại T lập Vi bằng số 311/VB-TPL. Vi bằng thể hiện ngày 25/10/2016 ông A đã đến cổng Công ty gặp bảo vệ nhưng không xác nhận được nội dung bảo vệ không cho ông A vào làm việc. Xét thấy, vi bằng lập sau ngày ông A khởi kiện Công ty tại Tòa án nhân dân thị xã T, chỉ có giá trị chứng minh sự việc ngày 25/10/2016 ông A đến cổng Công ty gặp bảo vệ nhưng không chứng minh được việc Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông A. Đến thời điểm hiện nay, Công ty vẫn chưa ban hành bất kỳ văn bản hay quyết định nào thể hiện ý chí chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn, vẫn đồng ý nhận nếu nguyên đơn quay trở lại làm việc.
Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là phù hợp với quy định của pháp luật.
[4] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn: Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ nhận thấy từ tháng 7/2014 đến thời điểm ông A nghỉ việc tháng 9 năm 2016 thì ông A không được Công ty đóng BHXH theo quy định. Nguyên nhân là do ông A không nộp tờ khai đăng ký tham gia BHXH cho Công ty nên công ty không có cơ sở để đóng BHXH cho người lao động.
Xét thấy, ngoài lời khai của bà Nguyễn Thị Thùy Tr (nhân viên phòng nhân sự công ty) thì Công ty không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào khác để chứng minh Công ty đã yêu cầu ông A kê khai và nộp tờ khai đăng ký tham gia BHXH, bảo hiểm y tế cho ông A nhưng ông A không thực hiện nên Công ty không có cơ sở đóng bảo hiểm cho ông A. Ông A cũng không thừa nhận, quá trình khởi kiện và giải quyết vụ án, ông A đều thống nhất yêu cầu Công ty giải quyết thanh toán cho ông A khoản tiền này hoặc truy đóng cho ông A theo quy định. Tại cấp sơ thẩm Công ty trình bày các khoản BHXH, bảo hiểm y tế của ông A đã được Công ty thanh toán trực tiếp vào lương hàng tháng cho ông A, tại cấp phúc thẩm Công ty lại trình bày do ông A không nộp tờ khai đăng ký tham gia bảo hiểm nên Công ty không đủ thủ tục tham gia bảo hiểm cho ông A. Và hiện nay, nếu pháp luật có quy định thì Công ty cũng chấp nhận truy đóng BHXH cho người lao động. Như vậy, lời khai của bị đơn là không thống nhất và cũng không có tài liệu chứng cứ có giá trị để chứng minh.
Xét Hợp đồng lao động giữa ông A với Công ty có điều khoản công ty đóng BHXH, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành cho người lao động; Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động: "Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ BHXH, đóng, hưởng BHXH. Đóng BHXH theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH". Điều 42 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09 tháng 9 năm 2015 của BHXH Việt Nam ban hành quy định về quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế quy định về việc truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đối với trường hợp: “Đơn vị không đăng ký đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đối với người lao động”. Điều 38 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế quy định về các trường hợp truy thu bảo hiểm quy định “Truy thu do trốn đóng: Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia….”. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn và nguyên đơn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho ông A từ tháng 7/2014 đến tháng 9 năm 2016 là có căn cứ, phù hợp pháp luật.
Từ những phân tích trên, đại diện nguyên đơn ông Nguyễn Duy L và bị đơn Công ty kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu chứng cứ mới chứng minh cho yêu cầu của mình vì vậy không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các đương sự; Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là phù hợp với quy định của pháp luật. Một số vi phạm tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm về việc ghi sai số thụ lý và chấp nhận tư cách đại diện theo ủy quyền của ông Trần Đình V trong suốt quá trình xét xử tại cấp sơ thẩm trong khi giấy ủy quyền chỉ có giá trị đến ngày 23/02/2017, Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
[5] Về án phí: Án phí sơ thẩm, phúc thẩm Công ty TNHH Đồ gỗ VL phải nộp theo quy định của pháp luật. Nguyên đơn ông A được miễn.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ: Khoản 1 Điều 148; khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Nguyễn Duy L. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Đồ gỗ VL.
Giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm số 09/2017/LĐ-ST ngày 13 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương như sau:
Áp dụng: Khoản 2 Điều 22, Điều 41; điểm a, khoản 1, Điều 201 Bộ luật Lao động; các Điều: 21, 85 và Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Điểm a khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Dương Văn Dũng A với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồ gỗ VL về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Ông Dương Văn Dũng A được quyền liên hệ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồ gỗ VL để nhận lương và phụ cấp lương tháng 9/2016 số tiền 1.945.000 đồng và 1.528.846 đồng tiền lương tháng 10/2016.
3. Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồ gỗ VL và ông Dương Văn Dũng A có trách nhiệm đóng tiền Bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2014 đến tháng 9/2016 cho ông Dương Văn Dũng A tại Bảo hiểm xã hội thị xã T theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
4. Ghi nhận việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồ gỗ VL nhận ông Dương Văn Dũng A trở lại làm việc theo công việc đã ký kết trong hợp đồng lao động.
5. Về án phí lao động sơ thẩm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồ gỗ VL phải nộp 599.600 đồng.
6. Về án phí phúc thẩm: Ông Dương Văn Dũng A không phải nộp.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đồ gỗ VL phải chịu 300.000 đồng được khấu trừ 300.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0013107 ngày 04/7/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án không thi hành án, thì hàng tháng còn chịu tiền lãi đối với số tiền chậm thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án bản án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Tải về Bản án: Tại đây
Nguồn Bản án: thuvienphapluat
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết