Thừa phát lại là ai?

  16/11/17
Blog Thừa phát lại - Chắc đâu đó bạn cũng đã từng nhìn thấy bảng hiệu “Văn phòng thừa phát lại” hoặc nghe nói về “Thừa phát lại“, bạn có khi nào tự hỏi thừa phát lại là gì? văn phòng thừa phát lại có những chức năng gì chưa?
Nếu bạn chưa rõ về các khái niệm đó, hãy cùng Danh bạ Thừa phát lại tìm hiểu về Thừa phát lại và chức năng của Văn phòng thừa phát lại trong bài viết dưới đây.

Thừa phát lại là gì?

Tên gọi “thừa phát lại” là một thuật ngữ có gốc Hán – Việt và có tính lịch sử, nó được tồn tại ở miền nam Việt Nam trong thời kỳ trước năm 1975. Nghĩa của thừa phát lại chỉ một người công lại (một người không phải nhân viên nhà nước nhưng lại mang trong mình quyền lực nhà nước vì người đó được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm).
thừa phát lại là ai
Thừa phát lại đang lập vi bằng hiện trạng
Trong vốn từ ngữ Việt Nam hiện nay, cũng có người đề xuất có tên khác như: thừa hành viên, ở các tỉnh phía Bắc cũng có thời kỳ có các nhân vật “mõ tòa”. Nhưng xét về tổng thể, thừa phát lại không chỉ là thừa hành viên, thừa phát lại cũng không chỉ là mõ tòa.

Quyền và các chức năng của Thừa phát lại là gì?

So với thi hành án, Thừa phát lại có chức năng rộng hơn thi hành án, trong đó có chức năng lập vi bằng, giúp cho người dân sử dụng vi bằng đó để chủ động làm chứng cứ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, chỉ với một chức năng này thôi của thừa phát lại, nó đã xác lập được một kênh mới trong việc tạo lập chứng cứ, nó vừa giúp cho người dân vừa làm phong phú nguồn chứng cứ cho tòa án, cho cơ quan nhà nước khi xem xét các vụ việc có tranh chấp. Như thế cũng tăng sự chủ động, giúp cho người dân chủ động bảo vệ quyền lợi của mình. Chỉ riêng ý này đã thể hiện giá trị khá lớn của thừa phát lại.
Theo quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ, thì thừa phát lại hiện nay có các quyền: thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng (lập các biên bản có giá trị pháp lý như: biên bản xác minh tài sản, biên bản hiện trạng nhà…); xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự (trừ các bản án, quyết định liên quan đến thu tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước).
Trong các quyền của thừa phát lại, vi bằng là một công việc tương đối mới và gần giống với hoạt động công chứng, nhưng rộng hơn. Nếu công chứng chỉ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch… bằng văn bản, thì lập vi bằng là việc thừa phát lại lập văn bản trong đó ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Giá trị thứ hai của thừa phát lại là thừa phát lại được giao chức năng tống đạt các văn bản của tòa án, đây cũng là tạo sự khác biệt và tạo nên nề nếp, tạo sự tin cậy, xác tín trong việc chuyển các văn bản của tòa án tới đương sự.
Hiện nay, việc tống đạt các văn bản của tòa án thường gửi qua bưu điện hoặc trong trường hợp cần thiết là do thư ký tòa án đi tống đạt trực tiếp cho đương sự. Trong khi đó, việc tống đạt các văn bản của tòa tới các đương sự có giá trị và ý nghĩa rất lớn.
Nhiều trường hợp, nếu văn bản của tòa án không biết có tới được đương sự hay không gây nên việc phải hoãn xét xử, hoãn phiên tòa. Còn việc giao cho thừa phát lại tống đạt các văn bản của tòa án là thực hiện theo những thủ tục được quy định chặt chẽ, có các biểu mẫu cụ thể và có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp (thư ký nghiệp vụ của thừa phát lại) để đem đến tận nơi cho đương sự.
Do vậy, việc giao cho thừa phát lại thực hiện tống đạt các văn bản của tòa tới đương sự vừa tạo lập sự tin cậy, tạo lập nề nếp, có ý nghĩa rất lớn, khác với việc gửi qua bưu điện và đây cũng là ý nghĩa rất lớn của thừa phát lại.

Văn phòng thừa phát lại là gì?

Thừa phát lại hành nghề thông qua Văn phòng Thừa phát lại được thành lập hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh (nếu có từ hai TPL trở lên).
Khác với Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại là do tổ chức, cá nhân tự lập ra khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Điều 16 Nghị định 61/2009 về điều kiện cơ sở vật chất và cơ cấu tổ chức bộ máy. Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.
Đặc biệt, Văn phòng Thừa phát lại phải ký quỹ 100 triệu đồng cho mỗi Thừa phát lại hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Việc ký quỹ được thực hiện tại tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM.

Văn phòng thừa phát lại làm gì?

Theo quy định tại Nghị định 61/ 2009, văn phòng thừa phát lại có chức năng thực hiện các công việc sau đây:
Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan Thi hành án dân sự;

Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chứ. Trong các quyền của Thừa phát lại, lập vi bằng là một công việc tương đối mới và gần giống với hoạt động Công chứng, nhưng rộng hơn.
Nếu Công chứng chỉ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch… bằng văn bản, thì lập vi bằng là việc Thừa phát lại lập văn bản trong đó ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự;
Trực tiếp tổ chức thi hành án các Bản án, Quyết định đã có hiệu lực của Tòa án theo yêu cầu của đương sự (Trừ những Bản án, Quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án).

Như vậy, với phạm vi công việc này, chức năng của Thừa phát lại mở rộng hơn so với Thi hành án hiện nay (thi hành án chỉ xác minh, tổ chức thi hành án).
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết