Thừa phát lại Hà Nội vẫn khó trong tống đạt

  14/10/16
Blog Thừa phát lại - Có thể nói, chức năng tống đạt của Văn phòng TPL do Thư ký nghiệp vụ tiến hành đã góp phần giảm tải công việc cho đội ngũ Thư ký tòa án và các cơ quan thi hành án dân sự (THADS), giúp các cơ quan này tập trung vào công tác chuyên môn. Đồng thời, còn góp phần tôn vinh vị thế của Tòa án, cơ quan THADS trong mối quan hệ với đương sự, trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao.
Phó Trưởng Văn phòng TPL Thủ Đô Nguyễn Quế Lợi cho biết, tính từ khi thành lập đến ngày 31/8/2016, Văn phòng đã tống đạt được tổng số 9.305 văn bản các loại, trong đó có 5962 văn bản của Tòa án và 3343 văn bản của cơ quan THADS. Nhìn chung, các cơ quan như UBND, Công an xã, phường, thị trấn, cán bộ khu phố đã phối hợp, tạo điều kiện để Thư ký nghiệp vụ hoàn thành công việc của mình.
Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm
Tuy nhiên, cán bộ tư pháp xã, phường hoặc tổ trưởng tổ dân phố một số nơi vẫn chưa nhiệt tình hợp tác, giúp đỡ các văn phòng TPL. Do Văn bản tống đạt cho một người nhưng tống đạt nhiều lần khác nhau nên tổ trưởng tổ dân phố chỉ hợp tác ban đầu còn về sau đã từ chối giúp đỡ.
Cá biệt, có nơi còn yêu cầu Thư ký nghiệp vụ đến tống đạt phải có công văn của Văn phòng TPL báo cáo UBND thì mới cử cán bộ hỗ trợ. Có trường hợp khi tống đạt không thành, Thư ký nghiệp vụ lập biên bản niêm yết thì cán bộ tư pháp phường yêu cầu lãnh đạo Văn phòng phải ký và đóng dấu vào biên bản trước khi trình UBND ký xác nhận. Việc này gây trở ngại rất lớn, đặc biệt đối với văn bản có thời gian gấp.
TPL còn gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thời hạn tống đạt bởi sự sai sót về họ tên, địa chỉ, nhầm lẫn nội dung văn bản được tống đạt. Ví dụ trong trường hợp đương sự được tống đạt văn bản là công ty thuê trụ sở tại các nhà cao tầng, sau đó chuyển đi nơi khác, khi tống đạt văn bản đến địa chỉ cũ thì Ban quản lý tòa nhà không hợp tác hỗ trợ và cũng không có tổ dân phố nào phụ trách theo dõi nên không xin được xác nhận của tổ trưởng dân phố và kéo theo UBND phường cũng không xác nhận biên bản trong trường hợp tống đạt không thành. Bên cạnh đó, thái độ không hợp tác, thậm chí là chống đối, đe dọa của đương sự cũng gây nên nhiều khó khăn khi tống đạt văn bản, có những trường hợp TPL phải trả lại văn bản cho Tòa án hoặc cơ quan THADS.
Bên cạnh đó, việc thanh toán kinh phí tống đạt của các Tòa án, cơ quan THADS cho TPL còn chậm. Quy định không tính tiền tống đạt cho văn bản thứ hai trở đi ở cùng một địa chỉ cũng gây khó khăn cho TPL vì thực tế không phải làm một lần là xong. Điều này khiến nhiều Thư ký nghiệp vụ khi đã tương đối thành thạo về chuyên môn tống đạt văn bản thì lại xin nghỉ việc vì lương thấp, thanh toán chậm, từ đó gây khó khăn trong việc tuyển chọn, sắp xếp lại đội ngũ này của các văn phòng.
Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình (Hà Nội) Nguyễn Văn Lạng chia sẻ, các văn phòng TPL đã dày công xây dựng một đội ngũ thư ký đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu công việc. Tuy nhiên vài tháng gần đây, các cơ quan Tòa án và THA đều tạm dừng việc chuyển giao văn bản cho các văn phòng để tống đạt, chờ chủ trương. Đây là bài toán khó cho các văn phòng khi không biết có nên duy trì đội ngũ cán bộ này hay không, duy trì như thế nào để đến khi tiếp tục nhiệm vụ thì còn đáp ứng được ngay.
Theo Phó Trưởng Văn phòng TPL Hai Bà Trưng (Hà Nội) Phạm Anh Dũng, để khắc phục tối đa những khó khăn trong hoạt động tống đạt văn bản, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TPL bằng nhiều hình thức, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, nhân dân nâng cao hiểu biết về TPL. Đồng thời, chú trọng tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan với các văn phòng TPL, đặc biệt là nghiên cứu tăng mức kinh phí tống đạt và tạo điều kiện thuận lợi thanh toán kinh phí này để TPL có thể hoạt động và phát huy tối đa vai trò của mình.
Theo: http://baophapluat.vn/tu-phap/thua-phat-lai-tong-dat-con-nhieu-gian-nan-299144.html
(Tiêu đề do người đăng đặt lại)
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết