Sơ đồ cơ cấu tổ chức Văn phòng Thừa phát lại

  10/12/13
(Thừa phát lại 24h)-Nhìn chung, mô hình tổ chức của Văn phòng Thừa phát lại là tương tự mô hình tổ chức của các văn phòng công chứng (tổ chức công chứng tư). Cả hai đều là đơn vị tư nhân được Nhà nước trao cho chức năng cung ứng các dịch vụ pháp lý mang tính chất công.

Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 cơ quan này chính là số lượng chức năng được Nhà nước trao cho. Văn phòng công chứng chỉ có duy nhất 1 chức năng là công chứng các hợp đồng, giao dịch. Trong khi đó, Văn phòng Thừa phát lại hiện có đến 4 chức năng:

+ Lập vi bằng;
+ Xác minh điều kiện thi hành án;
+ Trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự và 
+ Tống đạt văn bản, giấy tờ.

Giúp việc cho Công chứng viên hiện tại có Thư ký công chứng viên, Chuyên viên... Giúp việc cho Thừa phát lại có Thư ký nghiệp vụ. Tuy nhiên, có 1 sự khác biệt ở đây là các chức danh giúp việc cho Công chứng viên vừa nêu không phải là chức danh được pháp luật quy định. Còn Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại, tiêu chuẩn Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại đã được pháp luật quy định khá chặt chẽ. Ngoài ra,Thư ký Thừa phát lại phải được đăng ký tại Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở Văn phòng Thừa phát lại mà thư ký đó công tác.

Một vấn đề cần bàn đến ở đây là các công việc của Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại được làm. Thư ký nghiệp vụ là người giúp việc cho Thừa phát lại. Đối với công việc lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án, Thư ký nghiệp vụ hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện công việc của mình. Nghĩa là đối với các mảng công việc này, Thừa phát lại phải là người trực tiếp thực hiện. Thư ký nghiệp vụ chỉ đóng vai trò tham gia hỗ trợ, giúp việc khi Thừa phát lại yêu cầu. Riêng đối với công việc tống đạt văn bản, giấy tờ, Thư ký nghiệp vụ là người trực tiếp đi tống đạt trừ trường hợp Tòa án/cơ quan thi hành án dân sự và văn phòng Thừa phát lại có thỏa thuận khác.

Căn cứ vào quy định pháp luật về thủ tục thực hiện các công việc của Thừa phát lại và tùy vào điều kiện cụ thể của từng văn phòng mà Thư ký nghiệp vụ được chia làm 2 bộ phận là Thư ký tống đạt và Thư ký văn phòng. Thư ký tống đạt là đội ngũ thư ký chuyên đi tống đạt văn bản, giấy tờ. Thư ký văn phòng là bộ phận thư ký chuyên hỗ trợ Thừa phát lại trong 3 mảng công việc còn lại. Và điều tối quan trọng, các Văn phòng Thừa phát lại cần chuyên môn hóa và tách bạch 2 bộ phận thư ký này nhằm tránh sự trùng lặp hay quá tải công việc cho Thư ký nghiệp vụ, đảm bảo hiệu quả công việc.

(Đức Hoài)
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết