Ngân hàng làm khó Thừa phát lại

  12/8/13
Blog Thừa phát lại - Tại hội nghị triển khai mở rộng thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) ngày 2-8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đánh giá những thành công trong thí điểm TPL tại TP.HCM là tiền đề quan trọng trên con đường cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, tiến độ mở rộng thí điểm TPL tại 13 địa phương trong cả nước còn chậm so với yêu cầu. Một phần do lúng túng về quy trình thủ tục, phần khác do sự phối hợp giữa các ngành không thống nhất.
Cụ thể, Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Kiểm sát thi hành án VKSND Tối cao cho biết hiện nay pháp luật về quản lý thuế, nhà đất, tín dụng, đăng ký tài sản… chỉ quy định trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì thế khi TPL tiến hành xác minh tài sản - điều kiện thi hành án thì không được cung cấp nên rất khó khăn trong xác minh và tổ chức thi hành án.

Hình: Thừa phát lại  Quận 10 đang tư vấn khách hàng về xác minh tài sản
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cũng cho hay: Thực tế đã xảy ra hậu quả rồi, ngân hàng không hợp tác cung cấp thông tin và phong tỏa tài khoản, vẫn để cho chủ tài khoản rút tiền dẫn đến không còn điều kiện thi hành án. “Người được thi hành án đã tin tưởng giao TPL làm nhưng rốt cuộc trắng tay, vậy ngân hàng đó có chịu trách nhiệm không, phải xử lý thế nào? Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có hướng giải quyết” - ông Chính đặt vấn đề.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Tuyết Dương (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN) cho biết NHNN đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 61 về tổ chức và hoạt động của TPL. Trong đó, khẳng định theo các quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức tín dụng chỉ được phép cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi của khách hàng và trích chuyển tiền gửi của khách hàng khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được sự chấp thuận của khách hàng. Do đó, việc quy định tổ chức tín dụng phải thực hiện yêu cầu của TPL về xác minh điều kiện thi hành án là không có cơ sở pháp lý. Cũng tại công văn này, NHNN cũng đề nghị bỏ phần dự thảo quy định “các tổ chức tín dụng phải thực hiện yêu cầu của TPL về xác minh điều kiện thi hành án”.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, quan điểm của ngân hàng đang đi ngược lại quy định về thi hành án dân sự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp sẽ có ý kiến chính thức với NHNN và báo cáo Chính phủ về vấn đề này.

-
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết