Thừa phát lại lập vi bằng kiểm kê tài sản

  2/9/13
Blog Thừa phát lại - Vi bằng kiểm kê tài sản là hình thức vi bằng mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến các bên có liên quan kiểm kê tài sản tại 1 địa điểm nhất định. Vi bằng được lập trong trường hợp này nhằm mục đích tạo lập chứng cứ tránh trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến tài sản được kiểm kê về sau.
 Một số trường hợp mà Văn phòng Thừa phát lại từng được yêu cầu lập vi bằng kiểm kê:
Trường hợp 1: Công ty A trình bày với Thừa phát lại rằng, trước đây họ có ký hợp đồng vận chuyển với đối tác, trong đó có điều khoản khi nào Tàu chở hàng về đến Phao số không ở Thiềng Liềng, Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh thì Ngân hàng sẽ chuyển cho phí đối tác 1.5 triệu USD. Tuy nhiên, theo Công ty A được biết thì hiện trên tàu không có hàng hóa là sắt cuộn mà học theo hợp đồng vận chuyển hai bên đã ký kết. Công ty A nhờ Thừa phát lại tư vấn.
Trường hợp 2: Ngân hàng A có nhận cầm cố hàng hóa là sắt cuộn, hiện đang để tại kho X của Ngân hàng. Ngân hàng cũng không biết số sắt này hiện còn bao nhiêu. Hiện Ngân hàng đang muốn tiến hành kiểm kê, vận chuyển hàng hóa là sắt cuộn tại kho X, cân hàng hóa và chuyển hàng hóa vào kho Y.
Trường hợp 3: Công ty A trình bày với Thừa phát lại rằng, trước đây Công ty có ký hợp đồng cho công ty B thuê một phần Siêu thị để làm Nhà sách. Hiện nay, công ty B không trả tiền thuê, cũng không chịu bàn giao mặt bằng. Công ty A đã niêm phong nhà sách, muốn Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận sự kiện công ty A kiểm kê hàng hóa trong nhà sách, di chuyển hàng hóa sang chổ khác đề lấy mặt bằng kinh doanh.
Trường hợp 4: Ông A muốn Thừa phát lại lập Vi bằng ghi nhận sự kiện ông A kiểm kê toàn bộ tài sản trong nhà, sau đó niêm phong lại/ hoặc chuyển sang địa chỉ mới.
Vi bằng kiểm kê tài sản thường rơi vào trường hợp các bên đã phát sinh tranh chấp. Việc các bên yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng về hành vi kiểm kê, vận chuyển tài sản... là cần thiết nhằm tạo chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là chính đáng khi giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền.

Hình 1. Thừa phát lại  Trịnh Văn Tốt (Văn phòng Thừa phát lại Quận Thủ Đức)
trong 1 lần chứng kiến việc kiểm kê tài sản
Về mặt lý luận cũng như thực tế, các bên khi muốn tạo chứng cứ để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì cũng có thể tự mình tạo ra chứng cứ đó. Như trường hợp kiểm kê tài sản ở trên, các bên cũng có quyền quay phim, chụp hình lại quá trình mình kiểm kê tài sản. Để chắc chắn hơn, các bên có thể nhờ tổ trưởng tổ dân phố, đại diện khu phố, đại diện UBND hoặc cơ quan công an tham gia cùng. Tuy nhiên, việc làm trên có những hạn chế nhất định:
Thứ nhất, nếu rơi vào trường hợp 1 bên đơn phương kiểm kê tài sản thì khi trình chứng cứ đó ra trước cơ quan giải quyết tranh chấp, các bên có nghĩa vụ chứng minh, giải thích với Tòa án thời gian, địa điểm mà mình xác lập chứng cứ đó. Công việc này là khó khăn bởi trong nhiều trường hợp, việc quay phim, chụp hình tạo chứng cứ đó không được thực hiện theo 1 quy trình, thủ tục chặt chẽ và không có tính chứng cứ cao.
Thứ hai, không phải trong mọi trường hợp các cá nhân, cơ quan được mời tham gia (tổ dân phố, công an khu vực, UBND...) cũng sẵn sàng có thời gian để chứng kiến, giúp người dân tạo lập chứng cứ khi kiểm kê tài sản.
Hình 2. Thừa phát lại trong đang lập vi bằng kiểm kê tài sản
 trong kho của công ty may
 (Ảnh VP Thừa phát lại Q. Thủ Đức-TP.HCM)
Việc yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng trong trường hợp này là cần thiết nhằm loại bỏ những hạn chế trên. Vi bằng của Thừa phát lại được pháp luật quy định có giá trị chứng cứ bởi được thực hiện theo 1 thủ tục chặt chẽ và được đăng ký tại Sở tư pháp trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày lập. Khi đã yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng thì chỉ trong những trường hợp thật cần thiết thì các bên mới phải nhờ đến sự chứng kiến thêm của các cá nhân, cơ quan tổ chức khác.
Đức Hoài
logoblog

Bài viết liên quan

Nhận xét bài viết